284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN VĂN GIÁP



   Nguyễn Văn Giáp người làng Tả Thanh Oai nay thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông đỗ cử nhân được cử giữ chức Bố chính Sơn Tây nên gọi là Bố Giáp. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành Sơn Tây có sự chỉ huy dũng cảm, mưu trí của Bố chính Sơn Tây Nguyễn Văn Giáp.

   Tháng 8/1885 Nguyễn Quang Bích thừa lệnh vua Hàm Nghi đi sứ Trung Quốc cầu viện thì Nguyễn Văn Giáp trực tiếp nắm quyền chỉ huy tối cao phong trào chống Pháp ở các tỉnh trung du Bắc Kỳ. Nguyễn Văn Giáp xây dựng căn cứ ở Thanh Mai từ đó hoạt động mạnh ở lưu vực sông Lô, sông Thao trên đường từ Việt Trì đi Thanh Ba lên tận Nghĩa Lộ. Một vinh dự cho Bố chính Nguyễn Văn Giáp cũng như lực lượng kháng chiến vùng sông Thao, sông Lô là ngày 10 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi thăng Bố chính Nguyễn Văn Giáp chức Tuần phủ Sơn Tây, sung Tham tán Hiệp đốc Bắc Kỳ quân vụ.

   Giặc Pháp đã mở nhiều cuộc càn quét lớn để diệt nghĩa quân song không thực hiện được. Vì vậy, trong các căn cứ quân sự của các thủ lĩnh nghĩa quân ở hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên giặc Pháp coi cứ điểm quân sự Thanh Mai của Nguyễn Văn Giáp là nguy hiểm số 1. Nhằm tiêu diệt cứ điểm quan trọng này bộ chỉ huy quân sự Pháp ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ điều động trên 6000 quân, có đại bác, tầu chiến, công binh yểm trợ tới mức tối đa do tên tướng Giame chỉ huy tiến đánh Thanh Mai. Quân Pháp chia làm ba mũi tiến quân.

   Nghĩa quân Nguyễn Văn Giáp chặn đánh giặc từ xa. Đạo quân thứ ba của quân Pháp khi đến Thạch Sơn, đã bị đội quân tiền tiêu do Tán Dật chỉ huy đánh trả dữ dội. Đạo quân thứ nhất và thứ hai cũng bị nghĩa quân chặn đánh ghìm chúng tại chỗ. Vì thế mà chúng tiến quân từ sáng 23/10/1885 nhưng mãi đến ngày 25/10/1885 chúng mới vào được Thanh Mai. Đến đâu chúng cũng bị đánh, nhiều tên bỏ mạng tại vùng phụ cận Thanh Mai, trong đó có tên quan ba pháo binh Piétri Camille, chúng không đem xác đi được phải chôn tại chỗ.

   Khi quân Pháp lọt được vào Thanh Mai, thì nghĩa quân lợi dụng đêm tối dùng thuyền nhẹ bơi qua đồng nước rút khỏi các vị trí chiến đấu. Những nghĩa quân hy sinh được chôn cất, người bị thương được đem đi theo cùng toàn bộ vũ khí.

   Rút khỏi Thanh Mai, nghĩa quân phân tán làm hai lực lượng: Nguyễn Văn Giáp sang Tiên Động hợp lực với Nguyễn Quang Bích; Tán Dật ngược sông Hồng lên xây dựng căn cứ mới ở Lang Sơn, Phi Đình, huyện Hạ Hòa.

   Sau khi tới căn cứ Tiên Động, Nguyễn Văn Giáp nhiều lần đưa quân đi đánh Cẩm Khê, đánh các đồn lẻ của quân Pháp dọc sông Hồng. Nguyễn Văn Giáp cùng các tướng bảo vệ vững chắc căn cứ Tiên Động. Tên đại úy Lơ Bicô (Le Bico) nhiều lần đem quân tấn công Tiên Động đều bị nghĩa quân đánh cho đại bại.

   Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp nhận định Tiên Động có địa hình hiểm trở, thuận tiện cho công tác phòng thủ, nhưng quá chật hẹp, khó phát triển và liên hệ với các nơi, nên hai ông chủ động rút về xây dựng căn cứ mới ở Nghĩa Lộ để tác chiến lâu dài. Biết rõ thế nào quân Pháp cũng đuổi theo, ông cử Nguyễn Văn Giáp đi sau chặn giặc. Song quân Pháp được tăng viện, truy kích, Nguyễn Văn Giáp phải đưa quân rút lên Sa Pa, rồi chuyển sang hoạt động ở Lai Châu.

   Tháng 7/1887, Nguyễn Văn Giáp vào tận Nghệ An phát động đồng bào các dân tộc ở miền Tây nổi dậy chống Pháp.

   Tháng 10/1887 ông trở lại Nghĩa Lộ hoạt động quân sự ở Nghĩa Lộ, Yên Bái, lưu vực sông Đà. Hàm Nghi năm thứ 3, tháng 10 (11/1887) Nguyễn Văn Giáp hy sinh tại căn cứ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.