284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN ĐĂNG HÀNH



Nguyễn Đăng Hành sinh năm Quý Mùi (1823) quê ở xã Phù Khánh, huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình, nay là thôn Phù Khánh, xã Hương Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông thi đỗ Hương cống khoa Quý Mão (1843). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, ân khoa Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức 1 (1848) năm ông 26 tuổi.

Ban đầu ông được bổ chức Biên tu ở Tập hiền viện, thăng Thị độc án sát tỉnh Quảng Ngãi.

Năm Tự Đức thứ 14 (1861) thăng Hồng lô Tự khanh, lĩnh chức Bố chính Khánh Hòa. Năm Tự Đức thứ 15 (1862) sung chức Thương biện quân vụ Nam đạo chuyển sang Bắc đạo.

Từ đầu năm 1862, đất nước cực kì rối ren, tháng giêng, quân Pháp đánh tỉnh thành Bà Rịa; tháng 3 chúng chiếm tỉnh thành Vĩnh Long. Đến tháng 5, Bôna sai trung tá Ximông (Simon) đem chiến thuyền ra cửa biển Thuận An uy hiếp triều đình Huế đòi phải vào Sài Gòn kí Hiệp ước giảng hòa. Triều đình Huế nhu nhược, tháng 6 năm 1862 sai Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp vào Sài Gòn kí Hòa ước “Hòa bình và hữu nghị”, với Pháp và Tây Ban Nha và phải bồi thường chiến phí cho Pháp. Trong khi đó thì ở miền Bắc, Triều đình Huế bãi bỏ nha Đê chính trông coi việc đê điều. Kết quả là ngay năm đó, nhiều đoạn đê ở Bắc Ninh, Sơn Tây, Hưng Yên vỡ.

Do dân đói khổ và bất mãn với triều đình Huế, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ. Nạn giặc Tàu Ô, giặc biển, thổ phỉ từ Trung Hoa tràn sang cướp phá các tỉnh ven biển và châu thổ sông Hồng. Đến tháng 9 thì hầu hết các tỉnh miền Bắc đều có loạn, triều đình phải cử Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Tuyển bình định miền Tây bắc, Trương Quốc Dụng bình định miền Hải Yên (Hải Dương – Quảng Yên) Nguyễn Đăng Hành bình định Bắc Ninh (gồm cả Bắc Giang ngày nay). Vừa nhận lệnh Nguyễn Đăng Hành lập tức lên đường cùng quan quân ở Bắc Ninh tiễn trừ giặc cướp. Cả một vùng phía đông giáp Quảng Yên và phía Nam giáp Hải Dương, Hưng Yên sạch bóng giặc. Khi ông tiến lên tiễu trừ giặc cướp ở phía Bắc tỉnh, thì ông bị tử trận trong một trận ác chiến.

Triều đình truy tặng ông hàm Bố chính.

(Theo Đại Nam thực lục – Đăng khoa lục)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.