284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN CAO



   Nguyễn Cao, sinh năm 1840 tại làng Cách Bi huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Cao lúc nhỏ được gửi đến ở nhà ông tú tài Nguyễn Gia Giao ở xã Liễu Ngạn, phủ Thuận Thành, sau theo học thày Phạm Văn Nghị ở Tam Đăng. Năm Đinh Mão (1867) Tự Đức thứ 20, ông đỗ Giải nguyên (đỗ đầu Cử nhân). Ông không ra làm quan ở mà nhà dạy học.

   Tháng 11/1873, quân Pháp từ Hà Nội đánh chiếm Gia Lâm, Siêu Loại, Nguyễn Cao chiêu mộ được hơn 1000 nghĩa dũng cùng Bố chính Phạm Thận Duật đánh quân Pháp. Ngày 4/12/1873, nghĩa quân của ông tấn công quân Pháp ở Gia Lâm, Thuận Thành, diệt nhiều giặc Pháp, bắt sống 150 ngụy quân, giải phóng một vùng rộng lớn. Ngày 15/3/1874, Triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước “Hòa bình và liên minh” có lợi cho Pháp. Sau khi Hòa ước ký, Nguyễn Cao buộc phải giải tán nghĩa quân.

   Ông có công cùng Phạm Thận Duật đánh dẹp giặc nên triều đình ép ông làm Tri huyện Yên Dũng rồi Tri huyện Lạng Giang. Ông làm quan thanh liêm, trừng trị bọn trộm cướp, quan lại nhũng nhiễu dân, tổ chức cho dân khai hoang, phục hóa, cải thiện đời sống. Triều đình thăng ông chức Bố chính Thái Nguyên rồi đi kinh lý khẩn hoang ở Nhã Nam.

   Ngày 25/4/1882, quân Pháp tấn công thành Hà Nội, đến 10 giờ cùng ngày, thành vỡ, Tổng đốc Hoàng Diệu tự tử. Nguyễn Cao đang làm Tán lý quân vụ tỉnh Bắc Ninh đã chăm lo, củng cố thành Tỉnh Đạo. Ông lại đem quân về Hà Nội cùng các cánh quân khác bao vây Hà Nội. Ngày 27/3/1883 Nguyễn Cao đã cùng nhiều quan lại khác chỉ huy 4000 quân Tứ Tổng đột nhập vào phố Hàng Đậu tấn công Cửa Đông, buộc quân Pháp phải rút vào trong thành cố thủ.

   Đêm 11/3/1883, Nguyễn Cao đóng quân ở Gia Lâm, cho quân nã đại bác vào đồn Đồn Thủy, vị trí đóng quân của quân Pháp. Ngày 15/5/1883, quân Pháp đổ bộ sang Gia Lâm, Nguyễn Cao dàn quân ra đánh. Hai bên kịch chiến đến tận ngày hôm sau.    Ngày 16/3/1883 Nguyễn Cao bị thương nặng ở bụng. Sau khi vết thương lành, ông được cử giữ chức Tán lý quân vụ Bắc Kỳ.

   Triều đình Huế nhu nhược liên tiếp nhượng bộ Pháp nhiều quyền lợi của quốc gia, rút hết quân đội ở các vị trí chiến lược quan trọng, ngăn cấm nhân dân vũ trang đánh Pháp. Mùa Xuân năm 1884, Bắc Ninh trở thành chiến trường nóng bỏng. Ngay từ những ngày đầu tiên Nguyễn Cao đã cùng với Hoàng Văn Hòe đã đối phó với quân Pháp. Các ông phối hợp với nghĩa quân Ba Báo liên tục tấn công quân Pháp ở Phả Lại và sông Cầu. Khi thành Bắc Ninh mất, Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hòe cùng nhiều quan lại, sĩ phu rút về thành Tỉnh Đạo. Đầu năm 1884 Nguyễn Cao cùng Ngô Quang Huy, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Văn Hòe, Dương Khải thành lập “Đại nghĩa đoàn” hay còn gọi là “Tam tỉnh nghĩa quân” tiếp tục đánh Pháp. Đại nghĩa đoàn có hơn 5000 quân tuyển mộ từ các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đánh Pháp. Trong số tướng chỉ huy có Đội Văn tức Vương Văn Vang người thôn Thuận An xã Chạm Lộ, tổng Tam Á, huyện Thuận Thành, nay thuộc xã Chạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Quang tức Nguyễn Trọng Đạo và tú tài Nguyễn Trọng Huyên là hai anh em họ Nguyễn quê ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, nay thuộc xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tham gia.

   Nghĩa quân Đại Nghĩa đoàn dựng đại đồn trong cánh rừng Báng ở làng Đình Bảng, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, chia quân đóng giữ các vị trí sung yếu uy hiếp quân Pháp ở lưu vực sông Cà Lồ (tỉnh Phúc Yên cũ). Các ông xây dựng căn cứ ở núi Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Bắc Giang cùng các đồn binh ở Trúc Ty, Vân Cốc, Trung Đồng khống chế vùng ngã ba Phượng Nhỡn nơi hợp lưu của các sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu tạo thành Lục Đầu Giang.

   Tháng 7/1884 nghĩa quân Đại nghĩa đoàn tấn công quân Pháp ở Ngọc Trì (nay thuộc xã Bình Định, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh). Nghĩa quân còn củng cố các căn cứ ở Đình Bảng, Vân Cốc, Trung Đồng.

   Theo Hiệp ước Pháp – Thanh, quân Thanh và quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc rút về nước. Đại nghĩa đoàn tan rã, Nguyễn Cao về làng Kim Giang, huyện Sơn Lãng, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Ứng Hòa, Hà Tây) dạy học.

   Tháng 7/1885 vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương, Nguyễn Cao lại đứng ra vận động các sĩ phu Bắc Kỳ chống Pháp. Đầu năm 1886 vua Hàm Nghi phong cho ông chức Tán lý quân vụ Bắc Kỳ. Được ít lâu tình hình khó khăn, ông lại lui về Kim Giang bí mật tập hợp đồng chí.

   Tháng 4 năm Đinh Hợi (5/1887), quân Pháp bắt được một tờ sớ của Hồng lô Tự khanh Tán tương quân vụ Ngô Quang Huy gửi vua Hàm Nghi có nói tới Nguyễn Cao. Bọn Pháp tung mật thám đi dò xét, ở làng Kim Giang có tên Việt gian tố cáo ông với giặc Pháp để tiến thân. Hôm đó ông không có nhà, học trò đến báo cho ông biết và xin ông tránh đi. Ông nói: “Bọn kia mất ta, tất sẽ tróc nã tìm trong dân chúng. Ta không nỡ vì một thân này mà để tai họa cho vài trăm người”. Rồi ông ung dung đi về nhà. Giặc đưa lính về bắt, chúng nhốt ông vào cũi giải về Hà Nội. Ông cắn lưỡi tự tử, chúng cứu chữa ông để khai thác các sĩ phu chống Pháp ở Bắc Kỳ. Có tên Việt gian đến dụ dỗ ông, chê bụng ông tối tăm không hiểu thời thế. Ông đập bát, lấy mảnh bát khoét rốn rút ruột ra cho chúng xem và thét: “Chúng bay xem, ruột tao trắng như ngó cần!”. Bấy giờ người đứng xem chật ních đều sợ hãi, bưng mặt mà chạy. Bọn giặc Pháp đưa ông đi cấp cứu. Ông nhịn ăn, uống, luôn miệng chửi bới quân thù, rồi thiếp đi. Khi tỉnh dậy, ông cắn lưỡi tự tử. Hôm đó là ngày 24 tháng ba năm Đinh Hợi (14/4/1887).

   Cái chết của ông làm kẻ thù khiếp sợ, kích động lòng yêu nước của nhân dân. Ông đã chết, giặc Pháp vẫn đưa thi hài ông sang Tòa án Nam xét xử. Chúng xử ông tử hình, đem thi thể ông ra bãi Dừa bên hồ Hoàn Kiếm nay là bồn nước ga xe điện Bờ Hồ (cũ) thành phố để chém đầu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.