284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

TẠ HIỆN



   Tạ Hiện còn có tên là Tạ Quang Hiện, sinh năm Tân Sửu (1841), người làng Quang Lang, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình, nay là xã Quang Lang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tạ Hiện từ khi nhỏ ưa hoạt động, giỏi võ nghệ, bơi lặn giỏi, đỗ tú tài võ. Ông đã giữ chức Đốc binh quân vụ tỉnh Tuyên Quang.

   Tháng 9/1872, Tạ Hiện chỉ huy một số thuyền nhỏ của Nghệ An đánh tan 30 chiến thuyền lớn của bọn hải tặc Trung Quốc tại Hàm Giang (Quảng Yên). Sau chiến thắng này, Tạ Hiện được phong Phó quản cơ.

   Ngày 31/12/1873, quân Pháp trao trả tỉnh thành Hải Dương, triều đình cử Tạ Hiện làm Lãnh binh, (Nguyễn Huy Tự làm Hộ đốc, Nguyễn Hữu Đỗ làm Bố chính).

   Tháng 10/1879, thành lập đồn Cối Sơn, tỉnh Quảng Yên, Tạ Hiện được cử chỉ huy đồn. Ông chỉ huy quân lính đánh dẹp bọn phỉ Tàu, nên vùng này được yên lành.

   Năm 1883, triều đình Huế ký Hòa ước Quý Mùi nước ta phải chịu sự bảo hộ của Pháp.

   Tháng 8/1882, Tạ Hiện được thăng Chưởng vệ, lãnh Đề đốc Bắc Ninh. Tháng 2/1883, triều đình giao cho Tạ Hiện chỉ huy đội Hùng nhuệ thay Thống chế Hoàng Văn Thụ bị giáng chức.

   Ngày 27/3/1883, thành Nam Định thất thủ, Tạ Hiện xin triều đình đổi về giữ chức Đề đốc Nam Định để khôi phục lại tỉnh thành.

   Tháng 9/1883, triều đình ra lệnh triệt binh, Tạ Hiện không chịu, kiên quyết ở lại cùng nhân dân kháng chiến. Ông phái người nộp trả ấn Đề đốc, rồi cùng một số đồng chí, lui về phủ Kiến Xương (Nam Định) phát lệnh tố cáo giặc Pháp xâm lược, chiêu mộ hương dũng đánh Pháp nhiều trận kịch liệt. Ông còn mở rộng địa bàn hoạt động xây dựng căn cứ chống Pháp ở các huyện Hưng Nhân và huyện Thán Khê, Duyên Hà khi đó thuộc tỉnh Hưng Yên. Ông cũng phối hợp với Đổng quân vụ Đinh Gia Quế thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đánh quân Pháp nhiều trận lớn trên hai bờ Tả ngạn và Hữu ngạn sông Luộc.

   Cuối năm 1883, Tạ Hiện tập trung tới 4.000-5.000 nghĩa quân, đánh chiếm lại tỉnh thành. Họ đã làm chủ vùng nông thôn: thu thuế, tuyển lính, xử án…

   Trong những chiến công nghĩa quân do Tạ Hiện chỉ huy trên các chiến trường ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An, có những trận đánh lớn vào đồn giặc ở Trà Lý (Thái Bình), đền Trần (Nam Định) trận đánh úp đồn Quỳnh Côi (Thái Bình) gây cho địch nhiều thương vong và thu được nhiều vũ khí. Nghĩa quân dựa vào dân thực hiện chiến tranh du kích, thiên biến vạn hóa, thoắt ẩn, thoắt hiện. giặc Pháp tung quân đi càn quét lại không thấy nhưng lại thường bị đánh úp, bị phục kích. Có trận nghĩa quân mặc quần áo lính khố xanh, công khai hành quân ban ngày.

   Lực lượng nghĩa quân Tạ Hiện ngày càng đông, mạnh mẽ, được huấn luyện tốt, có ý thức căm thù giặc và ý thức kỷ luật cao.

   Tạ Hiện đã phối hợp với nhiều thủ lĩnh nghĩa quân như Đinh Gia Quế ở Bãi Sậy trong các năm 1883, 1884. Bang Tốn và một số tướng lĩnh của ông đã sát cánh chiến đấu với nghĩa quân Bãi Sậy. Ông cũng phối hợp với Nguyễn Thiện Thuật, Lã Xuân Oai, Phạm Huy Quang, Cai Kinh, Lưu Vĩnh Phúc, đánh quân Pháp ở cầu Quan Âm (Bắc Lệ, Lạng Sơn) ngày 24/5/1884.

   Đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Phạm Thận Duật tấn công đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ ở kinh đô Huế. Bị quân Pháp phản công, Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị phát động phong trào Cần vương, Tạ Hiện đã nhiệt liệt hưởng ứng, ông được vua Hàm Nghi thăng thự Đô thống. Từ đó nghĩa quân của ông hoạt động càng mạnh, gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất.

   Từ tháng 10 năm 1886, nghĩa quân Tạ Hiện hoạt động mạnh trở lại. Nghĩa quân đánh úp đền Quỳnh Côi. Nghĩa quân do Bang Tốn chỉ huy và nghĩa quân do sư So ở chùa Thiền Quang chiếm lại được phủ Kiến Xương, tấn công huyện Trực Định (Kiến Xương). Nghĩa quân còn đánh đồn Thanh Quan, đồn Vụ Bản và nhiều trận khác. Daufès trong cuốn La Garde indigène de 1’Indochine de sa création à nos four, tập I, Toukin, Avignou 1933 đã phải thừa nhận: “Đội lính khố xanh đã xung đột nhiều trận với các đội nghĩa quân của Tán Thuật, Lãnh Giang, Tổng Kinh, Đốc Sung, Đề đốc Tạ Hiện, Đốc Tít… chỉ huy càn quét, bình định vùng giữa sông Luộc và sông Trà Lý, đột phá làng mạc, tàn sát nhân dân. Nghĩa quân tránh những trận đánh lớn, chỉ lẻ tẻ chiến đấu. Nghĩa quân của ông thường đào hố ngụy trang dụ địch đến là nhẩy ra bắt gọn chúng, nên chúng gọi là “giặc vồ”.

   Về cái chết của Tạ Hiện, có nhiều tư liệu khác nhau, nhưng đáng tin là cuốn “Lịch sử quân sự Đông Dương” thì đầu năm 1887, Tạ Hiện bị địch bắt và bị giết vào đêm mùng 2 tháng 2 năm 1887 ở Bình Bắc, Phả Lại, Đông Triều. Các cụ già ở quê Tạ Hiện cũng xác định ông bị giặc Pháp bắt và giết ở quê vợ tại Đông Triều, hiện ở đó còn đền thờ ông.

   Ngoài võ công lừng lẫy, Tạ Hiện còn là nhà thơ, nay còn lại bài “Cái nợ tang bồng”.

      Cái nợ tang bồng tí tẻo teo,
      Nay đòi mai hỏi tiếng ong eo. 
      Nay ta quyết kéo trời Nam tại
      Kéo để giang sơn đổ lộn phèo

(Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, trang 214 nhóm Chu Thiên, Văn học, Hà Nội, 1970)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.