284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN MẬU KIẾN



   Nguyễn Mậu Kiến, hiệu Kinh Đài, sinh ngày 8 tháng 5 năm Kỷ Mão (6/1819) trong một gia đình giàu có, có truyền thống văn học ở xã Động Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

   Tuy sinh trưởng trong một gia đình giầu có nhưng Nguyễn Mậu Kiến từ nhỏ đã có lòng yêu nước, thương dân. ông thường xuyên xuất tiền, thóc để cứu tế cho dân Sơn Nam bị mất mùa trong các năm 1856 – 1857. Ông hiến một phần ruộng đất làm ruộng “binh điền” để trợ cấp cho các gia đình có con em đi tiễu phỉ ở biên giới, ven biển. ông còn cúng ruộng “học điền” để khuyến khích việc học, in sách phát không cho học trò.

   Ông có uy tín để dàn xếp những vụ xung đột giữa tín đồ đạo Thiên chúa gây ra với tín đồ đạo Phật ở tỉnh Nam Định, do bọn gián điệp đội lốt cha cố gây ra hòng làm rối loạn hậu phương của ta mở đường cho giặc Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ.

   Ông học giỏi, nhưng thi cử lận đận, mãi đến năm 1863, khi ông đã 44 tuổi mới thi đỗ giám sinh (ngang cử nhân). Hai năm sau, năm 1865, Nguyễn Mậu Kiến mới thi đỗ khoa Hoành từ là khoa thi đặc biệt thời Tự Đức lấy ngang với đỗ Hoàng giáp để kén chọn nhân tài. Niên hiệu Tự Đức thứ 20, ông được cử làm Lang trung bộ Lại kiêm bang biện Nam Định. Sau làm đến Quang lộc Tự khanh.

   Nguyễn Mậu Kiến từ chối không ra làm quan, mà trở về quê huy động nhân công đào sông tiêu nước phát triển nông nghiệp ở huyện Tiền Hải, nơi Nguyễn Công Trứ tổ chức khai hoang vào các năm 1824, 1828. Sau nhiều lần Triều đình triệu, năm 1867, ông nhận chức Lại bộ Lang trung, sung chức bang hiện hai tỉnh Nam Định và Hải Dương. Năm 1868, giặc Cờ vàng do Hoàng Sùng Anh từ nhà Thanh tràn sang cướp phá Cao Bằng, Lạng Sơn, Triều đình cử ông làm Bang biện quân thứ Lạng Sơn cùng với Đề đốc Phan Bân, Tán tương Mai Quý đi đánh dẹp Trước nguy cơ giặc Pháp đem quân đánh chiếm Bắc Kỳ, năm 1871, Nguyễn Mậu Kiến đã cùng với hai con là Nguyễn Hữu Cương và Nguyễn Hữu Bản chiêu mộ quân đánh Pháp. Đúng như phán đoán của ông, sáng ngày 20/4/1873, quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội.

   Ngày 02 tháng 10 năm Quý Dậu (10/12/1873), tàu chiến Pháp từ sông Vị Hoàng bắn đại bác vào thành Nam Định. Thành Nam Định thất thủ, Nguyễn Mậu Kiến cùng hai con lui quân về Thái Bình để bảo toàn lực lượng rồi bắt tay xây dựng căn cứ kháng chiến tại Kiến Xương. Nghĩa quân do ông chỉ huy lên tới 2.000 người.

   Lo sợ trước lực lượng kháng chiến ở Thái Bình do Nguyễn Mậu Kiến là người chỉ huy tối cao, Garnier từ Nam Định theo sông Hồng xuống cửa Vân Môn đánh phá Động Trung. Nghĩa quân chặn đánh chúng dọc tuyến sông Hồng, khiến cho chúng thiệt hại nặng nề cả về quân số và vũ khí.

   Nhưng với sức mạnh của tàu chiến, vũ khí chúng đã tràn được vào Động Trung, đốt nhà của Nguyễn Mậu Kiến và nhiều kho lương song Nguyễn Mậu Kiến đã chỉ huy nghĩa quân chiếm lại đồn Chân Định, xây dựng lại căn cứ, duy trì cuộc chiến đấu. Nghĩa quân luôn luôn tập kích các đồn binh Pháp, nên chúng  không dám đóng đồn ở Thái Bình.

   Nguyễn Mậu Kiến cũng như phần đông các bạn bè của ông kháng lệnh, vẫn duy trì quân đội, tiếp tục cuộc chiến trừng trị những tên từng theo giặc để bảo vệ độc lập dân tộc. Tự Đức đã xuống chiếu tước hết chức tước, phẩm hàm rồi bắt sung vào làm lính ở quân thứ Thái Nguyên – Tuyên Quang.

   Nhưng không may trong lúc Nguyễn Mậu Kiến cùng các đồng chí của mình tích cực hoạt động trên nhiều phương diện để phòng thủ Bắc Kỳ thì bệnh sốt rét ác tính tái phát và ông đã hy sinh tại quân doanh Đồn Vàng, Hưng Hoá ( nay là thị trấn huyện Thanh Sơn, Phú Thọ).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.