284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

TRẦN TRỌNG CUNG



Trần Trọng Cung tức Trần Văn Lý còn gọi là Đồ Cát, vì ông là người làng Thượng Cát, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông, nay Từ Liêm thuộc Hà Nội. Ông theo nghiệp binh chiến đấu dưới quyền Bố chính Sơn Tây Nguyễn Văn Giáp. Sau khi thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai, Bố chính Nguyễn Văn Giáp đã liên kết với tướng Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy quân Cờ Đen phòng thủ Sơn Tây. Trong trận đánh quân Pháp lần thứ hai ngày 19/5/1883 tại Cầu Giấy, Trần Trọng Cung chỉ huy một đội quân mai phục ở làng Dịch Vọng Trung dưới sự chỉ huy của Tả dực Dương Trí Ân. Cánh quân này đã giết chết đại tá De Viler. Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 9/1883 ông đã theo Nguyễn Văn Giáp phối hợp với quân Cờ Đen do tướng Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy chặn đánh quân Pháp do tướng Bouet chỉ huy tiến đánh Sơn Tây. Quân Pháp bị tổn thất nặng nề, phải rút về Hà Nội.

Ngày 14/12/1883 Đô đốc Cuốc bê (Courbet) chỉ huy một lực lượng lớn bộ binh lính thủy đánh bộ có tầu chiến, pháo binh, công binh hỗ trợ đánh thành Sơn Tây. Bố chính Nguyễn Văn Giáp chỉ huy quân sĩ chặn đánh quân Pháp ở chiến lũy Phù Sa. Trần Trọng Cung luôn ở bên cạnh quan Bố chính, bảo vệ ông. Ông còn chỉ huy các mũi đột kích vào doanh trại của giặc, tổ chức các mũi vu hồi đánh tạt sườn vào trận địa quân Pháp. Khi quân ta phải rút khỏi chiến lũy Phù Sa về thành Sơn Tây, ông đã ở lại đánh chặn giặc, yểm hộ cho chủ tướng rút trước. Ông đã sát cánh cùng Bố chính trong ba ngày liền chiến đấu giữ thành Sơn Tây, gây cho quân Pháp thương vong nặng nề.

Thành Sơn Tây thất thủ, triều đình Huế ký hòa ước với Pháp, lệnh cho các tướng ở Bắc Kỳ phải triệt binh. Nguyễn Văn Giáp chống lệnh ở lại mộ quân chống Pháp. Trần Trọng Cung lại theo Bố Giáp rút về huyện Lâm Thao xây dựng căn cứ Thanh Mai.

Khi Thanh Mai thất thủ, Trần Trọng Cung hợp với quân Nguyễn Quang Bích. Tháng 10/1887 Bố Giáp hy sinh tại căn cứ Nghĩa Lộ, Trần Trọng Cung còn chiến đấu trong hàng ngũ nghĩa quân mấy năm nữa, cho đến khi tuổi già, sức yếu, bị sơn lam, chướng khí quật ngã ông mới chịu trở về sống ở Thượng Cát, mở trường dạy học để che mắt kẻ thù, nên dân mới gọi là ông Đồ Cát. Về quê nhưng ông vẫn liên lạc với các đồng chí trong cuộc khởi nghĩa.

Vụ Hà thành đầu độc bị thất bại. Chúng xử tử hình nhiều người, Trần Trọng Cung bị giặc Pháp bắt đày đi Côn Đảo và bị bệnh mất tại Côn Đảo vào cuối năm 1908


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.