284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

TRƯƠNG QUYỀN



Trương Quyền còn gọi là Trương Tuệ, Trương Huệ, cậu Hai Quyền. Ông là con trai của Trương Định, quê gốc ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông luyện tập võ nghệ từ tuổi thiếu niên nên giỏi võ nghệ, tài trí mưu lược, xuất quỉ nhập thần.

Ngày 25/8/1864, Trương Định hy sinh nghĩa quân hoang mang vì mất chủ tướng. Khi đó Trương Quyền mới 18 tuổi đã thay cha chỉ huy nghĩa quân. Ông phối hợp với thủ lĩnh Võ Duy Dương và thủ lĩnh quân Khmer là Achar Sva (Axoa) tiếp tục đánh Pháp.

Ngày 7/6/1866 , Trương Quyền và Pôkômbô dùng mưu dụ tên quan ba Laclo (Larclbause) ra cách đồn chừng hơn một cây số lọt vào ổ phục kích giết chết hắn và bọn lính đi hộ vệ. Tên quan năm Mác xe (Marchausre) từ Sài Gòn lên cứu viện cũng bị nghĩa quân giết chết.

Cuối tháng 6/1866, quân Pháp ở Sài Gòn điều động quân đi đối phó với nghĩa quân Thiên hộ Dương ở Mỹ Tho, Cao Lãnh.

Đêm 23/6/1866, Trương Quyền và Pôkômbô xuất quân từ cầu An Hạ (nằm giữa Tầm Lạc và sông Vàm Cỏ Đông) tiến về Binh Biền (đường chợ Lớn đi Mỹ Tho) đột nhập vào Chợ Lớn tấn công đồn Thuận Kiều cách Sài Gòn 10 cây số. Ông đánh giáp lá cà với bọn kỵ binh Spalus. Trận ác chiến xẩy ra, Trương Quyền chiếm được đồn giết chết tên đội Pháp, nhiều lính Pháp và lính Nam, làm bị thương một số tên, chỉ còn năm, ba tên sống sót chạy đi báo cho quân Pháp.

6 giờ sáng, Trương Quyền chỉ huy nghĩa quân đánh quân tiếp viện. Sau 2 giờ kịch chiến, quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, song quân ta cũng núng thế. Đúng 8 giờ sáng, Trương Quyền cho quân rút khỏi Thuận Kiều về Bà Hom.

Giặc Pháp ở Sài Gòn hoảng sợ bắn súng lớn rồi báo động nghĩa quân đang đến sát “ngưỡng cửa của Sài Gòn”, hôm sau tên giám đốc Nội An ra thông cáo để trấn an, rồi 7 giờ tối bọn Pháp dân sự ở Sài Gòn nhận được chỉ thị mật cho biết “Loạn quân” có thể xuất hiện trong thành phố, nghe tiếng súng thì phải tập trung ba, bốn người một nhà, dựng chướng ngại vật chặn cửa, bình tĩnh đối phó vì ngoài đường có lính cưỡi ngựa tuần phòng rồi.

Quân Pháp và quân Đốc phủ Ca tập trung lực lượng phản công. Trương Quyền phải rút quân về đánh quân Pháp ở Trảng Bàng. Pháp sai trung úy Eymard đem quân vây đánh. Trương Quyền phải rút quân vào rừng rồi lên Tây Ninh hợp quân với Pôkômbô mở mặt trận mới. Song trước khi rút, ông cho quân tập trung súng bắn mãnh liệt vào căn cứ quân sự của quân Pháp khiến chúng rối loạn, một số tên tháo chạy.

Tin Trương Quyền phối hợp với Pôkômbô tấn công quân Pháp báo về Sài Gòn. Bọn chỉ huy Pháp sai 200 lính là 50 lính Thượng do thiếu úy Rémiot Lerbuer chỉ huy đến Tây Ninh tăng viện.

Từ đó nghĩa quân Việt – Khơ me phối hợp với nhau đánh Pháp ngày càng nhịp nhàng chặt chẽ. 12 giờ trưa ngày 2/7/1867  liên quân Việt – Khơ me đánh quân Pháp ở Trà Vang (Bắc Tây Ninh). Quân Pháp thiệt hại nặng nề phải tháo chạy về Tây Ninh. Nghĩa quân phục kích trên đường chúng rút chạy diệt thêm một số tên nữa. Hôm sau, đêm 3/7/1 866, liên quân Việt – Khơ me lại táo bạo đột nhập vào thành phố Tây Ninh, đốt phá dinh thự, lị sở quân Pháp và Nam triều. Ngày 7/7/1866 , Trương Quyền chỉ huy nghĩa quân tiến đánh Củ Chi, Hóc Môn, Trảng Bàng.

Cuối tháng 7/1866, quân Pháp chia làm bốn mũi có kỵ binh, phiêu binh và quân bộ tấn công vào Rạch Vui. Liên quân Việt – Khơ me có ít đạn nên bị chết nhiều. Tổng hành dinh Pôkômbô bị trúng đạn. Các ổ súng đồng bị đổ vỡ tê liệt. Trước tình thế đó, Pôkômbô rút về Nam Vang, Trương Quyền rút về Biên Hòa tiếp tục đánh quân Pháp.

Ngay sau đó nghĩa quân Việt – Khơ me lại đánh đồn An Cư ở Tây Ninh – đây là một trận đánh lớn. Quân Pháp bị tiêu diệt một trung đội và 2 tên đại úy Pháp. Nghĩa quân Trương Quyền cũng bị thiệt hại.

Tháng 11/1867, nghĩa quân Pôkômbô vượt sông Cửu Long đánh thẳng vào Công Pông Thom phía bắc Biển Hồ. Tại đây Pôkômbô bị thương rồi bị bắt và bị giết vào ngày 3/12/1867.

Trương Quyền vẫn tiếp tục chiến đấu ở vùng rừng núi Tây Ninh, xây dựng căn cứ ở Nha Mét. Thời gian này lực lượng nghĩa quân đã yếu, nên chỉ đánh được những trận nhỏ. Ông cũng hợp tác với lực lượng kháng chiến của người Khơ me và người Stiêng. Trong nghĩa quân Trương Định có Trần Tử Ca, người Hanh Thông Tây, sau đầu hàng Pháp theo đạo Thiên Chúa cùng Trương Công Tấn một nghĩa quân thân tín của Trương Định đầu hàng Pháp trở lại đàn áp nghĩa quân Trương Định. Bàn tay hắn đẫm máu nghĩa quân và đồng bào yêu nước. Năm 1862, quân Pháp cho Trần Tử Ca làm Tri huyện Bình Long (Hóc Môn). Năm 1865, hắn đàn áp nghĩa quân Trương Quyền, tham gia vào đội quân xâm lược đánh chiếm ba tỉnh miền Tây. Tháng 5/1870, Trần Tử Ca cho tay chân xâm nhập vào hàng ngũ nghĩa quân Trương Quyền giết chết ông.

Tội ác của Trần Tử Ca chất cao như núi, mãi đến ngày 27 tháng chạp năm Giáp Tuất (1884) Quản Hớn mới đánh vào phủ đệ của hắn, giết chết hắn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.