284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

PHAN ĐÌNH THÔNG



   Phan Đình Thông là con ông Phan Đình Tuyển, ông Tuyển có hai bà, bà cả sinh ra Phan Thị Đạt, Phan Đình Thông, Phan Đình Thuật, Phan Đình Tuấn, Phan Đình Phùng, Phan Đình Vận. Phan Đình Thông đỗ tú tài. Quê ở làng Đông Thái nay là xã Đức Phong, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.(Phan Đình Thông đã dỗ cử nhân, Phan Đình Tuấn mất sớm, Phan Đình Phùng đỗ Đình nguyên tiến sĩ. Phan Đình Vận đỗ phó bảng).

   Ông là người nuôi Cao Thắng làm con nuôi, dạy cho Cao Thắng võ nghệ và lòng yêu nước. Trong thời gian làm con nuôi Phan Đình Thông, Cao Thắng đi học nghề rèn, nhờ đức tính cần cù và sáng dạ, Cao Thắng trở thành một thợ cả tài giỏi, nổi tiếng trong vùng.

   Năm 1885, khi Phan Đình Phùng hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi chiêu tập nghĩa quân đánh Pháp thì Phan Đình Thông và con nuôi đều tham gia. Phan Đình Phùng xây dựng Đông Thái thành một đại đồn. Quân Pháp và Hoàng Cao Khải đưa đại quân đến đánh. Phan Đình Thông cùng em vượt vòng vây. Phan Đình Phùng về căn cứ Hương Sơn, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, Phan Đình Thông đem quân đóng ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cuối năm 1886, ông đóng quân ở đồn binh tại huyện Thanh Chương thì bị một tên thủ hạ làm phản nửa đêm thừa lúc ông đang ngủ dẫn đường cho quân Pháp bao vây căn cứ. Phan Đình Thông chỉ huy quân sĩ đánh trả, song quân Pháp bao vây chặt căn cứ, nghĩa quân chống trả một cách yếu ớt rồi chạy toán loạn, Phan Đình Thông bị giặc bắt.

   Theo lệnh tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải, Tổng đốc Nguyễn Chính cùng Tiễu phủ sứ Lê Kính Hạp định dùng ông làm con tin để chiêu dụ Phan Đình Phùng ra hàng. Trong một bức thư gửi Phan Đình Phùng, Tiễu phủ sứ Lê Kính Hạp dùng lời doạ dẫm: “…Ngày nay trong họ hàng làng xóm được an hay nguy chỉ can hệ ở nơi bác, tính mạng ông anh bác mất hay còn, cũng chỉ can hệ ở nơi bác…”.

   Phan Đình Phùng hy sinh tình cảm riêng của gia đình, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết đã khẳng khái bảo:“Nay ta chỉ có một ông anh rất to đang bị nguy vong là cả mấy triệu đồng bào… Ta bây giờ thì chỉ có một cái chết mà thôi”. Ông nhắn với người đưa thư về nói lại với Lê Kính Hạp: “Nếu ai có làm thịt anh ta, nhớ gửi cho ta bát nước canh!”.
   Bọn Nguyễn Chính, Lê Kính Hạp đã theo lệnh giặc Pháp và tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải giết hại Phan Đình Thông. (Đào Trinh Nhất: Phan Đình Phùng. Tân Việt, Sài Gòn 1950 – Nhìn lại lịch sử của Phan Duy Kha).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.