284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

TRẦN XUÂN SOẠN



   Trần Xuân Soạn sinh năm 1849, người làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn. tỉnh Thanh Hoá. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Ông là người văn hay võ giỏi, mới ít tuổi đã am hiểu binh thư chiến lược. Gặp khi triều đình tuyển lính, Trần Xuân Soạn ứng mộ song không hợp cách nên bị loại. Ông vào làm bếp cho Nhuệ Vũ quân Phó quản Bắc Ninh. 

   Quân Thái Bình Thiên quốc bị nhà Thanh đánh chạy sang ta “thổ phỉ hóa”. Tôn Thất Thuyết đem quân tiễu phỉ dẹp mãi không yên. Trần Xuân Soạn một mình xông pha tên đạn, làm cho quân giặc vô cùng khiếp đảm. Kết quả cả toán quân bị phá vỡ. Trận đương thua hoá ra thắng. Trần Xuân Soạn thắng trận trở về với nhiều chiến lợi phẩm. Tôn Thất Thuyết khen ngợi và thăng cho một lúc ba trật: suất đội- phó quản- chánh quản. Trong một ngày thăng lên bị cấp thật là trường hợp hiếm hoi, người xưa nói “Nhất nhật thăng tam cấp”. 

   Tự Đức năm thứ 30 (1877). Trần Xuân Soạn được thăng Chánh Lãnh binh Bắc Ninh. Năm sau thăng Phó Đề đốc năm sau nữa vì có công đánh tan giặc Khách trên sông Sỏi (Yên Thế) được đặc cách thăng Chánh Đề đốc. 

   Năm Tự Đức thứ 35 (1882) Trần Xuân Soạn được cử vào kinh thành làm Ngự môn Đề đốc. Tháng giêng năm 1884, Tôn Thất Thuyết thành lập “Phấn nghĩa quân” ở các tỉnh Trung Kỳ và Bắc Kỳ, đã giao cho Trần Xuân Soạn rèn luyện và chỉ huy. Khi kinh thành Huế thất thủ, Trần Xuân Soạn cùng Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật… phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng Hà Tĩnh rồi chỉ đạo phong trào chống Pháp ở Thanh Hoá.Từ khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ban chiếu Cần vương thì phong trào chống Pháp ở Thanh Hoá ngày càng mạnh mẽ. Ông đã cùng với các sĩ phu như Đinh Công Tráng, Phạm Bành chỉ trương xây dựng cứ điểm Ba Đình để giữ cửa ngõ miền Trung. Sau đó tuy không trực tiếp chỉ huy cứ điểm, nhưng ông có nhiệm vụ đóng quân ở phủ Quảng Hoá để hỗ trợ cho Ba Đình và giữ mối liên hệ giữa Ba Đình với Mã Cao.

   Tháng 9 năm 1885, Đồng Khánh – tay sai đắc lực của thực dân Pháp xuống dụ tước hết quan tước tịch thu gia sản của Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và Trần Xuân Soạn. Đồng Khánh xuống chiếu cho bọn quan lại địa phương nếu bắt dược Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn cho xử chém ngay. Song mặc cho tính mạng bị nguy hiểm, gia sản bị tịch biên, vợ con thân nhân phải sống trong cảnh bơ vơ, màn trời chiếu đất, ông vẫn quyết tâm kháng chiến. (Do Nguyễn Hữu Độ nguyên tả thị lang, Hộ lý Hà Ninh tổng đốc được tin vua Hàm Nghi dời kinh đô đã trở về Huế được Pháp đưa lên làm thành viên của viện Cơ mật và biệt phái làm Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Độ cùng Phan Đình Bình nguyên Tuần phủ lãnh An – Định tổng đốc được Pháp cho làm thượng thư bộ Hộ, có chân trong viện cơ mật. Độ và Bình tính cực cùng Pháp đưa Ưng Chân, con nuôi Tự Đức lên vua lấy hiệu là Đồng Khánh, ngày 19/9/1885. Năm đầu vẫn dùng niên hiệu Hàm Nghi. Đến ngày 4/2/1886 mới dùng niên hiệu Đồng Khánh nguyên niên. Thực dân Pháp cấp cho Đồng Khánh 40.000 lạng bạc, 40.000 quan tiền còn kho tang, thuế khóa quân Pháp nắm hết. Vừa lên ngôi vua bù nhìn Đồng Khánh đã viết thư cảm ơn tổng thống Pháp. Tôn Đờ cuốc xy làm “Bảo hộ quân vương”. tôn Khâm sứ Sam pô làm bảo hộ công. Ngày 28/1/1889. Đồng Khánh chết. ở ngôi 3 năm).

   Tháng 2 năm 1887 căn cứ Ba Đình và Ma Cao thất thủ. Trần Xuân Soạn cùng Hà Văn Mao rút về Điền Lư (nay là xã Điền Lư, huyện Bá Thước) dự định dựa vào rừng núi hiểm trở để xây dựng lại phong trào. Tại đây ông đã cùng Hà Văn Mao tổ chức phòng thủ chống quân Pháp càn quét nhiều lần. Sau đó Trần Xuân Soạn vào Nghệ An để liên minh với Thủ lĩnh phong trào chống Pháp ở Nghệ An là Nguyễn Xuân Ôn. 

   Ngày 25 tháng 5 năm 1887, Nguyễn Xuân Ôn bị quân Pháp bắt giải về giam ở Vinh, Trần Xuân Soạn lại trở ra Niên Kỷ (ở Bá Thước) với Hà Văn Mao tiếp tục phong trào chống Pháp ở miền tây Thanh Hóa. Các ông đã tổ chức nhiều trận đánh gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề. Giặc Pháp và bọn tay sai không bắt, giết được ông, không gọi ông về đầu hàng đã trả thù ông một cách man rợ là đào mộ cha ông, lấy xương xếp ở giữa đường để thiêu huỷ, hòng buộc ông đầu thú, nhưng ông vẫn không chịu khuất phục.

   Khi vua Hàm Nghi bị bắt phong trào kháng chiến chống Pháp ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh suy yếu dần. Khi Phan Đình Phùng ốm mất ở căn cứ, quân Pháp tấn công vào núi Vụ Quang chiếm căn cứ này. Tại Nghệ An các tướng lĩnh của Nguyễn Xuân Ôn cũng dần dần bị tiêu diệt. Ở Thanh Hoá, căn cứ Ba Đình, Mã Cao thất thủ. Ông sang Long Châu để tập hợp lực lượng mưu đồ phục quốc. Ông cùng Tôn Thất Thuyết vận động nhà Thanh giúp nhưng triều đình Mãn Thanh và Chính phủ Pháp đã ký hiệp ước thân thiện nên nguồn tiếp viện bị ngăn chặn. Ông cùng với Tôn Thất Thuyết vận động một số nhân sĩ ở Hoa Nam có cảm tình với cách mạng Việt Nam giúp đỡ tổ chức được một toán quân, nhiều lần kéo về biên giới Việt – Trung hoạt động. Nhưng quân Pháp chiếm được Lạng Sơn, Cao Bằng ngăn chặn đường về của ông, ông đành sống tha hương ở Trung Quốc.

   Trong thời gian ở Trung Quốc, mẹ, vợ và hai con trai nhỏ của ông bị địch khủng bố dữ dội, tịch thu gia sản, phải thay tên đổi họ trốn tránh suốt 15 năm trời, nhưng không làm ông sờn lòng, nản chí. Trần Xuân Soạn mất tại thị trấn Thiều Châu, Trung Quốc ngày 17 tháng 12 năm 1923, thọ 74 tuổi .


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.