284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

PHAN ĐÌNH PHÙNG



   Phan Đình Phùng tự là Nhân Trai, hiệu Châu Phong sinh năm Giáp Thìn (1844). Ông người làng Đông Thái, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Đức Phong, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh

   Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt cao. Ông là người hiếu học, thông minh, đậu cử nhân khoa Bính Tý (1876), đậu Đình nguyên Tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1877). Sơ bổ làm Tri huyện huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm Tự Đức thứ 31 (1878) ông về Kinh đô Huế sung chức Ngự sử Đô sát viện.

   Tính tình ông thẳng thắn, nhưng yêu nước thiết tha, nên từ chức Ngự sử Hình khoa chưởng ấn trong triều, ông về Hà Tĩnh chỉ giữ chức Tham biện sơn phòng dưới quyền chánh quản sơn phòng Nguyễn Chính, phó quản sơn phòng Phan Trọng Mưu, nhưng vẫn dốc lòng làm hết phận sự.

   Được sự tham mưu của Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết tháng 11/1884 , vua Hàm Nghi đã ban dụ cho củng cố sơn phòng Hà Tĩnh, ông được phục chức rồi bổ làm Tham biện sơn phòng Hà Tĩnh. Phan Đình Phùng còn chiêu mộ dân địa phương chế tạo cung nỏ, tên tẩm thuốc độc, còn cùng Chánh, phó sơn phòng sứ đặt thêm chức Nha sơn phòng sứ ở Đông Chi thuộc huyện Hương Sơn. 

   Phan Đình Phùng một lòng vì nước, vì dân đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết. Khi vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị, ông đến bái yết, được phong làm Tán lý quân vụ coi các nghĩa quân chống Pháp ở Nghệ An – Hà Tĩnh. Ông theo lời Tôn Thất Thuyết đứng lên mộ quân chống Pháp và lãnh trọng trách thống nhất các lực lượng nghĩa quân. Ông dựa vào địa hình rừng núi suối ngòi ở xã Đông Thái, Hương Sơn (Vụ Quang) một vùng rừng núi quanh co, hiểm trở lập căn cứ chống Pháp lâu dài.

   Phan Đình Phùng tổ chức nghĩa quân làm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 600 nghĩa quân. Đại đồn Vụ Quang, nơi đóng đại bản doanh của nghĩa quân, nơi làm việc của Tán lý Phan Đình Phùng thường xuyên có 500 quân trở lên.

   Phan Đình Phùng không dựa vào đồn luỹ để cố thủ mà dựa vào sự hiểm trở của núi rừng sông suối, xây dựng trận địa. Nghĩa quân phối hợp việc đánh địch tại căn cứ với việc tập kích, phục kích giặc, phát động phong trào toàn dân đánh giặc.

   Ngay từ buổi đầu kháng chiến, ông đã nhận thức muốn chống Pháp thuận lợi phải có sức mạnh toàn dân. Vì vậy sau khi đưa tổ chức nghĩa quân của Nghệ – Tĩnh vào nề nếp, ông giao cho Cao Thắng – một viên tướng trẻ nhưng có năng lực tiếp tục củng cố lực lượng kháng chiến, tổ chức các cuộc chiến đấu ở Nghệ Tĩnh, còn ông ra Bắc vận động các lực lượng chống Pháp thống nhất hành động.

   Năm 1888, Phan Đình Phùng ở Bắc về trực tiếp lãnh đạo phong trào. Thanh thế của nghĩa quân Phan Đình Phùng ngày càng lớn mạnh.

   Năm 1889, Phan Đình Phùng bắt tên phản bội Trương Quang Ngọc kẻ đưa đường cho giặc Pháp bắt vua Hàm Nghi, về trị tội.

   Tháng 10/1894, với kế ” Sa nang úng thủy”, nghĩa quân đã làm cho 3 sỹ quan Pháp và nhiều binh lính Pháp, lính Nam bị nước cuốn trôi mất xác. Không tiêu diệt được bằng quân sự. tháng 5/1894, Toàn quyền La nét xăng (Lanessen) sai Hoàng Cao Khải viết thư cho người đem đến dụ ông hang, song không được, chúng lại bắt thân nhân quật mả tổ tiên của ông, ông vẫn không nản. Giặc cho tên Tiễu phủ sứ Lê Kinh Hạp đến để bắn giết người anh ruột của ông là Phan Đình Thông. Ông khẳng khái nói: Nay tôi chỉ có một ngôi mộ to nên giữ là nước Việt Nam, tôi chỉ có một ông anh rất to đang bị lâm nguy là mấy triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang lại phần mộ của tổ tiên riêng mình thì ngôi mộ của cả nước kia ai giữ? Về để cứu sống ông anh của riêng mình, thì còn bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?

   Phan Đình Phùng vẫn quyết tâm kháng chiến một lòng, một dạ vì dân, vì nước. Đến cuối năm 1895, ông bị thương trong một trận giao chiến đẫm máu với quân Pháp, lại mắc bệnh lị nặng. Biết mình không qua khỏi, ông làm bài thơ tuyệt mệnh:

         LÂM CHUNG THỜI TÁC

      Nhung trường phung mệnh tập canh đông
      Vũ lược y nhiên vị tấn công
      Cùng lộ ngao thiên nan trạch nhạn.
      Phỉ đồ biến địa thượng dồn phong,
      Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại,
      Tứ hải nhân dân thuỷ hoả trung,
      Trách vọng dũ long ưu dũ đại
      Tướng môn thâm tự quý anh hùng.

Dịch thơ:

      Nhung trường vâng mệnh đã mười đông
      Vũ lược còn chưa lập được công.
      Dân đói kêu trời xao xác nhạn
      Quân gian chật đất rộn ràng ong.
      Chín lần xa giá non sông cách,
      Bốn bể nhân dân nước lửa nồng,
      Trách nhiệm càng cao, càng nặng gánh
      Tướng môn riêng thẹn mặt anh hùng.

               (Trần Huy Liệu dịch)

   Phan Đình Phùng mất ngày 28 tháng 12 năm 1895 khi mới 49 tuổi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.