284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
Đặng Đoàn Bằng
Đặng Đoàn Bằng tức Đặng Hữu Bằng tên chính là Đặng Tử Mẫn, năm 1906 xuất dương lấy tên là Đặng Xung Hồng. Ông là con cụ nghè Đặng Hữu Dương, người làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, nay là huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đặng Đoàn Bằng thông minh từ nhỏ, giỏi sáng tác thơ văn, phú, câu đối, tính khí cương cường.
Ông xuất dương sang Nhật, theo học trường Chấn Võ giỏi tất cả các môn quân sự, giỏi chữ Hán, chữ Nhật. Năm 1909, ông đậu Thủ khoa. Minh Trị Thiên hoàng (Mút su Hi tô Meifi) là bậc anh hùng canh tân nước Nhật chủ toạ lễ mãn khoá đã tặng riêng ông một chiếc đồng hồ bỏ túi có khắc tên, chữ ký của nhà vua. Khi thực dân Pháp cấu kết với Chính phủ Nhật trục xuất Phan Bội Châu và du học sinh Việt Nam, ông trở về Trung Quốc học một trường quân sự.
Thượng tuần tháng 2/1912, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang Phục hội ở Trung Quốc, ông tham dự và được bầu vào bộ chấp hành có 10 uỷ viên. Ông cùng Mai Lão Bạng phụ trách kinh tế. Ông còn giữ chức cố vấn quốc gia, uỷ viên vận động Bắc Kỳ của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Quang Phục hội thành lập hồi tháng 5 năm 1912. Ông là một yếu nhân của Việt Nam Quang Phục hội.
Năm 1913 Đặng Đoàn Bằng cùng Nguyễn Thượng Hiền vượt biên giới về Lạng Sơn vận động lính dõng quê ở tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên nổi dậy tấn công đồn Đồng Đăng. Sau trận giao chiến với quân Pháp ở vùng Pắc Luống, nghĩa quân bị thua, nhiều người bị bắt. Ông cùng Nguyễn Thượng Hền chạy thoát sang Trung Quốc.
Năm 1913 ông tham gia chế bom, lựu đạn trong tô giói Anh ở Hương Cảng. Lựu đạn nổ, ông bị cụt ba ngón tay. Ông trốn thoát chạy về Quảng Đông, Quảng Tây.
Trong mấy năm nương náu ở Quảng Đông, Quảng Tây, ông đã nghiên cứu, tập trung tài liệu viết cuốn “Việt Nam nghĩa liệt sĩ” năm 1918. Ông ghi chép 50 chí sĩ hi sinh cho đất nước như Đặng Thái Phiên, Trần Văn Bình, Trần Đông Phong, Phan Lại Lương, Nguyễn Quỳnh Lâm, Cao Trúc Hải, Hồ Bá Kiện, Hồ Bá Phiến, Phạm Văn Ngôn… Quyển sách này được Phan Bội Châu sửa chữa kỹ, Nguyễn Thượng Hiền đề tựa, in năm 1918 ở Trung Quốc. Sách đã được dịch ra chữ Quốc ngữ, Nhà xuất bản Văn hóa xuất bản năm 1960. Sau đây là một đoạn trong mục “Chép chung chuyện Nguyễn Đức Công, Nguyễn Thức Đường”.
… “Nước mất, giặc hoành hành, nhưng bọn vô liêm sỉ đang đua nhau làm nô lệ, ông rất lấy làm thẹn, lúc 15, 16 tuổi, ông đã nuôi cái chí đánh giặc phục quốc, nhưng chưa biết làm với ai. Một hôm ông đến nhà Sào Nam, Sào Nam đưa ông xem bản “Lưu cần huyết lệ tân thư” Ông rất phấn khởi đem về nhà suốt đêm đọc không ngủ. Từ đó bỏ nghê học cũ, chuyên giao kết với các khách gươm rượu. Ông thân dỏ biết, nhưng cũng không ngăn cấm được…
Sau đây là một đoạn trong mục “Lê Khiết”.
… Nguyễn Thân đã đánh dẹp đảng ở Nam Ngãi nên người Pháp cho Thân là giỏi, mới bổ Thân làm kinh lược tiết chế đợi sứ Nghệ Tĩnh. Thân đem Lê Khiết đi theo làm Tán tương, Lê giúp Thân dẹp đảng Nghệ Tĩnh và được bổ chức Bố chánh quyền việc Tổng đốc. Lúc đó Phan Thị Hán bị tình nghi và theo dõi, ông vì mến phục Phan mà hết sức che chở…
Đặng Đoàn Bằng còn có nhiều thơ Điếu các chí sĩ như: Điếu Tăng Bạt Hổ, Điếu Nguyễn Đức Công, Điếu Đỗ Cơ Quang, thơ điếu Hoàng Văn Kỷ, Hà Thành tuấn nghĩa chư liệt sĩ Điếu nghĩa sĩ dân (các tỉnh Trung Kỳ) chống thuế bị hại.
Mùa hè năm 1923, Đặng Đoàn Bằng cùng với Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Phan (Lê Hồng Sơn) Nguyễn Giản Khanh (con nuôi cụ Nguyễn Thiện Thuật) Trương Quốc Uy, Lê Cầu (Tống Giáo Cầu), Nguyễn Công Viễn (Lâm Đức Thụ) cùng có chung một chí hướng, cùng sinh sống, học tập tại Hàng Châu sáng lập ra Tân Việt Thanh niên đoàn (còn gọi là Tâm tâm xã).
Khoảng năm 1924, Đặng Đoàn Bằng bị thổ phỉ ở Nam Ninh giết chết, chặt bàn tay phải thành tật của ông bán cho thực dân Pháp ở Bắc Kỳ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.