284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐÀO TRÍ PHÚ



Đào Trí Phú quê ở tỉnh Đồng Nai, ông làm quan Thương bạc lo việc ngoại giao với các nước. (Đại Nam thực lục;Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 – 1945) tập I của Dương Kinh Quốc, Nxb khoa học xã hội và nhiều tài liệu, sách báo đều viết là Đào Trí. Chúng tôi căn cứ vào cuốn “Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm trình thành và phát triển”viết là Đào Trí Phú).

Năm 1832, Tổng thống Hoa kỳ là Andren Jackson cử Edmund Robert làm trưởng đoàn phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ đem quốc thư đến Vũng Lắm, vịnh Xuân Đài (nay thuộc tỉnh Phú Yên) tìm cách trình quốc thư lên triều đình Huế đề nghị thiết lập bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhưng Minh Mệnh từ chối (Dưới thời Gia Long (1819) một du khách người Hoa Kỳ đầu tiên là Jonhn White đặt chân lên Đồng Nai từ thuyền Úc (Vũng Tầu) để đến Gia Định, Tổng trấn Gia Định Thành là Nguyễn Vãn Nhâm đón tiếp. Với tính chất một cuộc giao lưu văn hóa cá nhân với người ngoại quốc). Bốn năm sau, năm ngày 20/4/1836 , phái đoàn do Robert trở lại, cùng đi còn có thuyền trưởng, sĩ quan Hải quân là E.P. Kennedy, bác sĩ Ruschen Berger đến xin thương thuyết để ký Hiệp thương. Vua hỏi ý Đào Trí Phú, Phú trả lời là nên nghênh tiếp, đưa họ về Kinh, để ở Thương Bạc, tiến mà dò xét. Vua liền cử Đoàn Trí Phú cùng Thị lang bộ Lại Lê Bá Tư dẫn đầu phái đoàn của triều đình đến Vũng Trà Sơn (thuộc vịnh Đà Nẵng) gặp phái đoàn Hoa Kỳ. Nhưng đoàn đến nơi thì Robert cáo bệnh không tiếp. Ngày 21/5/1836 họ ra đi, tới Ma Cao thì E Robert chết vào ngày 12/6/1836. (Theo Đại Nam thực lục chính biên – quyển 168. trang 3).

Đến đời Thiệu Trị, năm 1847, vua ra Sắc lệnh cấm đạo Gia Tô. Pháp sai trung tá Rigault de Genouilly dùng thư can gián, mặt khác uy hiếp bằng vũ lực. Vua phái Đô thống Mai Công Ngôn và Tham tri ngành võ bị quân sự Đào Trí Phú đem theo ba vệ binh Vũ Lâm, Hổ Uy, Hùng Nhuệ vào Cửa Hàn tăng cường cho lực lượng Hải quân. Ngày hôm sau chiến thuyền của Pháp rút.

Giữa năm 1856  dưới triều Tự Đức, Pháp đã thực hiện mưu đồ đánh chiếm Việt Nam, tầu chiến Pháp diễu võ dương oai ở vùng biển Đà Nẵng. Vua cử Đào Trí Phú và Nguyễn Duy vào Quảng Nam nghiên cứu cách bố trí phòng chống quân Pháp. Hai ông đã chỉ huy quân lính và nhân dân đắp đồn lũy phòng ngự.

Ngày 01 tháng 9 năm 1858, Liên quân Pháp – Tây Ban Nha đưa tầu chiến đến bắn phá đồn Trà Sơn. Đào Trí Phú tăng cường phòng thủ cho hai thành An Hải và Điện Hải. Vua Tự Đức phong Đào Trí Phú là đặc phái viên và Trần Hoàng, Tổng đốc Nam Ngãi chống giữ thành. Khi hai ông tới nơi thì hai thành đã mất, Triều đình cử Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thế Hiển sau lại sai Nguyễn Duy vào lập phòng tuyến chống Pháp. Đào Trí Phú cùng Nguyễn Duy lập đồn Trấn Đông trên núi Sơn Trà.

Sau Trần Hoàng có lỗi bị cách chức, Đào Trí Phú được cử làm Tổng đốc Nam Ngãi. Tháng 11 năm 1858, tầu chiến của quân Pháp theo sông Hàn, sông Nại Hiên tấn công sâu vào đất liền, bị Đào Trí Phú và Nguyễn Duy đón đánh. Súng thần công của ta nổ rầm trời, bắn gẫy nhiều cột buồm và nhiều thuyền giặc, chúng phải tháo chạy. Sau trận thất bại này, quân Pháp chỉ để lại đại tá Toay ông ở lại giữ Sơn Trà còn đem binh thuyền vào tấn công tỉnh thành Gia Định.

Trong 2 ngày 6 và 7 tháng 2 năm 1859 , Nguyễn Tri Phương sai Nguyễn Duy, Đào Trí Phú tấn công nhiều lần vào bán đảo Sơn Trà, nhưng không thành.

Do chính sách bạc nhược của Tự Đức không dám chủ trương chống Pháp, lại đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, tập trung tiền bạc, quân lính xây lăng Vạn Niên, Đào Trí Phú bỏ quan, trốn khỏi nhiệm sở cùng gia đình vào Quảng Nam để xuôi thuyền vào Nam Kỳ. Song Tự Đức đã nghi ngờ Đào Trí Phú có liên quan đến vụ Hồng Bảo là con vua Thiệu Trị, anh vua Tự Đức tổ chức cuộc chính biến năm 1864 không thành, nên cho quân đuổi theo, bắt giết ông lại Diên Khánh, xác hỏa thiêu. (Theo Đại Nam thực lục chính biên;  Biên Hòa – Đồng Nai. 300 năm hình thành và phát triển).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.