284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN THỨC TỰ



   Nguyễn Thức Tự, hiệu Đông Khê, sinh năm Tân Sửu (1841), quê làng Đông Chữ, nay thuộc xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nguyễn Thức Tự thông minh, hiếu học từ nhỏ, ông thi đỗ Đầu xứ vào năm 27 tuổi, khoa thi năm Mậu Thân (1868) đỗ cử nhân. Ông đi thi Hội nhiều lần nhưng không đỗ.

   Năm 1873, Nguyễn Thức Tự làm Hậu bổ ở Hà Tĩnh, lần lượt làm tri huyện Hương Khê, Thạch Hà, tri phủ Đức Thọ. Năm 1880 giữ chức Chánh Sơn phòng sứ tỉnh Hà Tĩnh vìvậy nhân dân gọi ông là Sơn. Năm 1884 ông xin về mở trường dạy học, gọi là trường Đông Khê.

   Năm 1885 khi vua Hàm Nghi xuất bôn hạ chiếu Cần vương, Nguyễn Thức Tự xếp bút nghiên hưởng ứng, ông bỏ tiền của nhà đi khắp nơi xây dựng đồn luỹ phòng thủ, chiêu mộ nghĩa quân các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên. Nguyễn Thức Tự luôn luôn cùng chủ tướng Phan Đình Phùng, tướng Cao Đạt bàn bạc các thế trận, ông là người thầy kiệt xuất về chiến tranh du kích, đánh mai phục, nổi tiếng là trận Nhà Làng.

   Sau khi cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng bị quân Pháp dập tắt. Nguyễn Thức Tự từ quan về quê trở lại nghề dạy học. Nguyễn Thức Tự không chỉ đơn thuần dạy chữ lệ thuộc vào kinh sách sẵn có mà nội dung bài giảng dạy của ông là đào tạo học trò trở thành ngươi yêu nước thương dân. Trong 30 năm dạy học, Nguyễn Thức Tự đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.

   Nguyễn Thức Tự rất nâng niu tài năng của học trò, ông đã tập hợp trên 100 bài phú hay nhất của học trò, trong đó có nhiều bài của Phan Bội Châu như “Công biểu chu du ngu hồ, Đào viên kết nghĩa. Xuân thu hoá công..”trong tập Đông Khê hiên luật phú để các thế hệ học sinh nghiên cứu học tập.

   Ông đã soạn tập Gia huấn ca để dạy dỗ con cháu. Thơ của ông cũng được in trong tập Đông Khê thi tập, Đông Khê thư tập, Đông Khê lịch sử, sự trạng…

   Nguyễn Thức Tự còn có tấm lòng hào hiệp giúp đỡ tiền bạc cho học sinh nghèo có chí như Phan Bội Châu. Năm Đinh Mùi (1907) ông thấy nhiều người trong làng Đông Chữ nghèo khó không đủ tiền nộp thuế phải bị tù tội đã hiến cho làng 5 sào ruộng tốt để lấy hoa lợi trợ sưu cho người nghèo.

   Đức độ của Nguyễn Thức Tự, sự nghiệp chiến đấu và giáo dục của ông được giới trí thức và nhân dân Nghệ An ghi nhận bằng đôi câu đối treo ở sinh từ của ông:

      Lục thuỷ thanh sơn, vũ trụ thường lưu xuân sắc
      Tả đồ, hữu sử, gia đình vĩnh đại thủ hương.

Hoàng Anh Tài dịch:

      Đây nước biếc, đó non xanh, xuân sắc lâu dài trong vũ trụ.
      Tả bản đồ, hữu sử sách, gia đình bền vững nếp thi hương.

   Trở về già, ông vẫn một lòng đau đáu nghĩ đến đất nước bị giặc Pháp thống trị, đến nhân dân bị lầm than, được ông thổ lộ một phần khi ông đi chơi thành phố Vinh năm 1898 về:

      Vừa mới đi thăm tỉnh Nghệ về.
      Nhìn xem phong cảnh nghĩ mà ghê.
      Trên trời dây thép giăng chằng chịt,
      Dưới đất kèn đồng thổi tò le.
      Phố xá nghênh ngang bồi cưỡi ngựa.
      Lâu đài nghi ngút đĩ ngồi xe,
      Ai lên nhắn với ông Tinh Bạch 
      “Sao để trời Nam mãi thế hề?”.

   Ngày 25 tháng 4 năm Quý Hợi (10/06/1923), Nguyễn Thức tự mất tại làng Đông Chữ. (Tác giả Hán Nôm Nghệ Tĩnh, trang 93 viết ông mất năm 1917).

   Phần mộ và nhà thờ Nguyễn Thức Tự ở Nghi Lộc đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.