284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐỖ THÚC TĨNH



Đỗ Thúc Tĩnh tự là Cấn Trai, sinh năm Mậu Dần (1818). Tổ tiên người Quảng Ngãi. Cha là Như Tùng, nhân theo cha mà nhập tịch ở làng La Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông do chân tú tài mà làm Tri huyện An Định. Thúc Tĩnh từ nhỏ, mồ côi cha, nhà nghèo mà chăm học, thờ mẹ và tôn trọng anh, cẩn thận, có tiếng hiếu hữu. Tự Đức năm đầu (1848) đỗ tiến sĩ được bổ Biên tu, thự Tri phủ Thiệu Hóa, sau đổi về Diên Khánh. Bấy giờ Diên Khánh đất bỏ hoang, dân hao mòn. Thúc Tĩnh tìm mọi cách vỗ về, mộ dân phiêu tán đến, cấp cho đất ở, làm nhà cửa, cấp cho điền khí, kẻ ốm đau thời thuốc thang, kẻ đói rét thời khẩn cấp, được người ta gọi là Đỗ Phụ (1).

Năm thứ 7 (1854), có Chỉ gọi về làm Giám sát ngự sử, nhưng dân ái mộ, triều đình giữ lại cho địa phương và thăng hàm thự Thị độc, lưu giữ ở địa phương để hoàn thành việc lập ấp an dân. Chưa được bao lâu lại xuống chiếu bổ viên Ngoại lang Binh bộ. Quan tỉnh thấy việc mộ (dân) lập (ấp) đã sắp xong, xin cho lưu lại làm nốt. Vua dụ rằng: “Thúc Tĩnh là người thanh liêm cần cán vào hạng nhất trong hàng phủ huyện, cho thực thụ thị độc vẫn lưu lại đấy làm việc để khuyên khích cho những viên quan tốt”. Thế rồi việc mộ dân lập ấp thành hiệu, được 143 người và 241 mẫu ruộng. Quan tỉnh đem việc tâu lên, được cất lên Hồng lô Tự khanh. Rồi qua Án sát Khánh Hòa, chuyển sang Bố chính, sau lại đổi về biện lý Binh bộ.

Năm Tự Đức thứ 14 Tân Dậu (1861), Gia Định, Định Tường nối nhau thất thủ, Thúc Tĩnh dâng sớ xin đi vào Nam dẹp giặc. Vua khen là người trung nghĩa khảng khái, cho sung Khâm sai mang dụ chỉ đi. Lại cấp cho 30 lạng bạc, đi ngựa trạm đến 2 tỉnh Long, Hà tuyên thị cho sĩ dân và chiêu mộ nghĩa dũng, rồi hợp lực cùng Tổng đốc Trương Văn Uyển, Tuần phủ Phan Khắc Thận thương biện việc quân. Phàm mọi việc được tùy tiện mà làm: Binh lương cho phép trù định lấy, viên biền, cho phép cắt đặt lấy, lính dõng cho phép tổ chức huấn luyện lấy, tiền thóc, cho phép quyên phát lấy, đến như tướng sĩ, ai có công, được khen thưởng, sợ hãi rút lui, được chém đầu đem rao để thị uy. Đặc biệt ban cho quyền trọng như vậy để mong công việc có thành hiệu. Sau chuẩn cho lĩnh Tuần phủ Định Tường. Thúc Tĩnh dâng sớ xin triệu tập binh sĩ, tích trữ lương, chọn chỗ hiểm lập đồn luyện quân để phòng lúc đánh, lúc giữ. Lại xin thuê những người Tây Dương và người Thanh hiện ở Gia Định để làm nội ứng mặt thủy, mặt bộ. Vua nghe lời và dụ rằng: “Thúc Tĩnh tiết tháo xem xét tình hình, trù nghĩ phương lược, mọi khoản đều hay. Hiện nay triệu tập binh dõng, tích trữ tiền, lương đều kể có hàng vạn. Tuy còn đương lắng chờ cơ hội, chưa thể vội vã đem dùng, nhưng vì nước làm việc như vậy tin là có lòng trung thành mưu tính sâu xa. Thương tình nhà ngươi vất vả, cho thăng thự Lại bộ thị lang vẫn lĩnh chức cũ”.

Năm thứ 15 (1862) Thúc Tĩnh chết.

Ông là người khảng khái, dũng cảm thao lược, có chí mà chưa đạt, vua rất lấy làm tiếc, truy tặng Tuần phủ và gia cấp cho gấm lụa bạc tiền. Con là Hữu Điển được ấm thụ chức Tư vụ, thăng mãi đến Tri phủ Ninh Hòa.

(Quốc sử quán triều Nguyễn –
Đại Nam chính biên liệt truyện, –
Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn)
.

———————————————————————
(1) Đỗ Phụ đời Tấn (Trung Quốc) làm quan ở Tương Dương dẫn nước sông vào tưới cho hơn vạn khoảnh ruộng. Dân được nhờ ơn, gọi là Đỗ Phụ (theo Từ Hải).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.