284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

BANG ẤM



   Bang Ấm tên thật là Phạm Ngọc Toản là con trai độc nhất của Ngự sử Phạm Ngọc Xuân. Phạm Ngọc Toản là người thông tuệ học nhiều, hiểu rộng, thông kinh sử, nhưng không thích chốn quan trường ràng buộc, chỉ thích vui thú cảnh điền viên, nên không đi thi. Giữa lúc ấy quan Tán Nguyễn Thiện Thuật đứng lên chống giặc Pháp vận động ông gia nhập nghĩa quân Bãi Sậy. Sẵn có tấm lòng yêu nước, được Nguyễn Thiện Thuật động viện, ông hăng hái nhận lời, nhận ra làm quan Bang. Trong thời gian làm quan, ông đã thu thập được nhiều tin tức về các cuộc hành quân, vây bắt các thủ lĩnh kịp thời báo cho nghĩa quân. Việc này đã giúp cho nghĩa quân tránh được nhiều tổn thất, còn quân Pháp thì bị khốn đốn.

   Nhằm đẩy nhanh tốc độ khai thác thuộc địa ở xứ Bắc Kỳ, giặc Pháp thẳng tay đàn áp phong trào Cần vương. Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy bị quân Pháp đem quân vây đánh liên tục. Nghĩa quân bị tan vỡ, Nguyễn Thiện Thuật phải trốn tránh hết nơi này đến nơi khác. Trước tình hình đó ông thấy mình không thể làm gì được cho nghĩa quân nữa, ông xin từ chức quan Bang. Về nhà được ít lâu Nguyễn Thiện Thuật biết ông chưa bị lộ, bí mật cho người đến bàn cách tiếp tục chống giặc.

   Nguyễn Thiện Thuật phái ông Toản và một số thủ lĩnh nghĩa quân lên miền rừng núi Yên Bái lập đồn điền để trồng cấy lấy lương thực, đồng thời dựa vào thế rừng núi hiểm trở làm nơi tụ nghĩa. Ông Toản liền làm đơn với chính quyền Pháp đưa số nghĩa quân đã ra hàng hoặc chưa bị lộ đi mở đồn điền ở tỉnh Yên Bái. Nghe ông Toản trình bày chúng rất mừng vì sơn lâm, chướng khí, nước độc sẽ giết chết số nghĩa quân đó, chúng sẽ không mang tiếng giết người đã ra hàng. Chúng chẳng những cấp giấy phép, mà còn chu cấp cả nông cụ, lương thực, thuốc men cho anh em. Ông Toản cùng đi với anh em đến nơi lập đồn điền rồi về đón Nguyễn Thiện Thuật đang trú ẩn ở một nơi an toàn đi Cao Bằng để sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh.

   Anh em ở đồng bằng lên, lạ nước, lạ cái ăn uống không giữ được vệ sinh, uống nước suối, ăn quả xanh, mùng màn không có, nên bị sơn lam, chướng khí, muỗi đốt bị sốt rét chết gần một nửa. Số còn lại nản chí bỏ về gần hết. Khi ông Toản đưa Nguyễn Thiện Thuật lên Cao Bằng trở về nơi lập đồn điền thì chỉ còn dăm người, đành bàn với nhau hãy trở về quê, chờ Nguyễn Thiện Thuật về sẽ bàn kế chống giặc. Thế là ông cùng mấy anh em lủi thủi luồn rừng trở về nhà. Ông không ở đấy lâu nhưng cũng bị bệnh sốt rét, ốm đau dai dẳng, quặt quẹo mãi, sau đó qua đời vào ngày 11 tháng 6 khi mới 37 tuổi.

   Chuyện về ông bang biện Phạm Ngọc Toản chống Pháp do bà Phạm Thị Oanh, tức Chiêu Oanh là em gái ông Toản kể lại cho Phạm Dung là cháu gọi là bà cô từ trước cách mạng Tháng 8 năm 1945, sau này ông Phạm Dung viết lại trong gia phả dòng họ Phạm ở xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

   Cứ mỗi lần kể xong, bà lại khóc nức nở. Qua cơn xúc động, cụ lau khô nước mắt nói nhỏ với cháu: “Bà nói cho cháu nghe chuyện gian truân của nhà mình để cháu biết thôi chớ có hở môi ra với ai, Tây nó biết nó cắt lưỡi đấy. Làng ta và làng Đậu làng vẫn vẫn có mật thám rình mò đấy. Chả thế mà cụ Hai Kế, em cụ Tán bị giặc Pháp bắt đày ra Côn Đảo, ngoài bẩy chục tuổi nó mới thả về. Khi cụ mất, mật thám còn về soát xét xem có phải cụ chết thật không hay là nói ra như thế để trốn đi làm Hội kín. Cháu nhớ nhời bà dặn nhé”. (Theo bài kể của cụ Phạm Dung, cụ Phạm Toán – Cháu tam đại cụ Bang Ấm)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.