284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN PHƯƠNG



   Nguyễn Phương người làng Hương La, huyện Ngọc Sơn nay là huyện Tĩnh Gia, đỗ tú tài, giữ chức Tham biện phủ Tĩnh Gia.

   Nguyễn Phương và bộ tham mưu đã xây dựng Ổn Lâm – Kỳ Thượng thành căn cứ quân sự, trải dài theo vành đai Đông Bắc – Tây Nam, từ Ngã ba Chuồng đến tận vùng rừng núi bao gồm Ổn Lâm, Kỳ Thượng đến giáp xã Yên Thái huyện Như Thanh ngày nay, với chiều dài 20 cây số, rộng 8 cây số.

   Lực lượng nghĩa quân có trên 1000 người, Nguyễn Phương chọn ra 300 người trẻ khoẻ, dũng cảm, được huấn luyện võ nghệ thành lập Đoàn nghĩa dũng cảm tử quân. Đây là đội quân chủ lực cơ động của cuộc khởi nghĩa.

   Nhờ có sự chỉ đạo. thống nhất đã đưa phong trào Cần vương trong tỉnh Thanh Hoá phát triển ở hầu khắp các phủ huyện. Nghĩa quân phủ Tĩnh Gia do Nguyễn Phương chỉ huy cũng phát triển nhanh chóng.

   Quân Pháp mở nhiều trận càn quét vào căn cứ nghĩa quân. Nguyễn Phương giao cho các tướng chặn đánh các toán quân từ các đồn Mưng, đồn Thị Long đi càn quét vào vùng nghĩa quân hoạt động.

   Cuối tháng 4/1886 Nguyễn Phương lại chỉ huy nghĩa quân cùng nghĩa quân của Đề Sơn tiến đánh huyện lỵ Nông Cống, đốt phá huyện đường tiêu diệt tri huyện, lãnh binh, bang tá. Cũng đêm đó nghĩa quân còn đánh phá huyện lỵ Quảng Xương, đồn Thị Long và đồn Eo Sơn. Tại phủ lỵ Tĩnh Gia, Lãnh Bòng tấn công đồn, quân Pháp hoảng loạn vút súng bỏ chạy, nghĩa quân thụ toàn bộ vũ khí.

   Trước những hoạt động mạnh mẽ, có hiệu quả của nghĩa quân phủ Tĩnh Gia, quân Pháp tăng cường 1 đại đội Âu – Phi, một đơn vị của lính pháo thủ Bắc Kỳ, 300 lính khố xanh về Tĩnh Gia. Chúng cho quân càn quét, đốt phá các làng Cốc Hạ, Côn Phương, Hữu Cốc.

   Nguyễn Phương và bộ tham mưu phán đoán quân Pháp sẽ đánh vào khu trung tâm, Nguyễn Phương bố trí trận địa mai phục từ xa, đánh phủ đầu trên đường hành quân của chúng. Tháng 3/1886, ông đánh một trận phục kích xuất sắc ở Cấp Ké, tiêu diệt nhiều tên, số còn lại tháo chạy.

   Để đánh vào đầu não của quân Pháp, Trần Xuân Soạn, Tống Duy Tân quyết định đánh thành Thanh Hoá, nghĩa quân phủ Tĩnh Gia là lực lượng chủ công. Nguyễn Phương cho Đề Sơn dẫn một đơn vị nghĩa quân cải trang làm người đi chợ lọt vào thành trước, vũ khí giấu trong hàng hoá. Nguyễn Phương chỉ huy 300 quân đi đường sông, vũ khí giấu dưới đáy thuyền có nhiệm vụ tấn công trại lính Âu – Phi. Tôn Thất Hàm chỉ huy 200 nghĩa quân đánh các đồn lính khố xanh ở ngoài thành.

   Nửa đêm ngày 10/3/1886, quân ta tấn công mãnh liệt, trung uý Frank và Chánh văn phòng Toà sứ bị thương nặng, Quân Pháp bị bất ngờ nhưng có vũ khí mạnh, có công sự phản công mãnh liệt, nên sau khi gây thương vong lớn cho quân Pháp, gieo vào lòng chúng nỗi kinh hoàng rồi rút khỏi tỉnh lỵ.

   Sau trận nghĩa quân đánh thành Thanh Hoá, quân Pháp cay cú mở nhiều trận càn quét vào ba huyện của phủ Tĩnh Gia. Song nghĩa quân được nhân dân ủng hộ và nghĩa quân toàn tỉnh phối hợp đánh chúng ở khắp nơi, khiến chúng bị động đối phó. Nhờ đó nghĩa quân Nguyễn Phương vẫn giữ vững căn cứ Ổn Lâm – Kỳ Thượng từ tháng 4/1886 đến năm 1887 .

   Khi căn cứ Ba Đình và Mã Cao thất thủ (1887), quân Pháp tập trung quân tấn công Ổn Lâm – Kỳ Thượng. Chúng bao vây, đánh phá liên tục cả ngày lẫn đêm. Quân Pháp tấn công vào khắp các đồn trại, tàn sát nhân dân, đốt phá các làng trong vùng nghĩa quân hoạt động. Biết không thoát khỏi tay giặc, Nguyễn Phương cắn lưỡi tự tử khi ông ở tuổi 55, quyết không để giặc bắt. Lãnh Quýnh, Lãnh Bòng bị quân Pháp chém ở cầu Hạc. (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử quân sự số 4/2004 – Phong trào chống Pháp ở Nông Cống cuối thế kỷ XIX, huyện uỷ, UBND huyện Nông Cống xuất bản).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.