284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN QUANG BÍCH



   Nguyễn Quang Bích nguyên họ Ngô, tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, sinh giờ Thìn ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn (7/5/1832). Ông người làng Trình Phố, huyện Chân Định, sau đổi là Trực Định, phủ Kiến Xương, nay là huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông thông minh, học giỏi, nhưng mãi đến năm 27 tuổi mới thi đỗ tú tài. Năm Tân Dậu (1861), đỗ cử nhân, được bổ làm giáo thụ phủ Trường Khánh (Ninh Bình). Được hơn một năm, cha mất, ông ở nhà cư tang, dạy học. Khoa thi Mậu Thân (1868) ông thi Hội hỏng. Khoa thi Hội năm Kỷ Tỵ Tự Đức 22 (1869) nhân có khoa ân thi, ông thi đỗ Nhị giáp tiến sĩ Đình nguyên, lúc đó ông 38 tuổi. Ông được triều đình bổ nhiệm làm Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa), sau thăng Tri phủ Lâm Thao (Phú Thọ). Vùng này trước đây mất an ninh, từ ngày ông về nhận chức thực hiện nhiều cải cách, thưởng người có công, trị kẻ có tội nghiêm minh, nên toàn huyện yên ổn, không có trộm cướp. Vì có tài trị an, ông được thăng Án sát Sơn Tây. Ông làm quan thanh liêm, thường trị quan lại nhũng nhiễu dân, được dân cư mến mộ. Giặc Pháp xâm lược, ông liên lạc với Lưu Vĩnh Phúc, tiến cử Lưu với triều đình làm “Bảo hưng phòng ngự sứ”. Lưu Vĩnh Phúc kính trọng ông vào bậc thầy.

   Sau đó ông được gọi về triều làm Tế tửu Quốc tử giám. Năm 1873, vua Tự Đức giao cho ông duyệt bộ Việt sử thông giám cương mục. Sau đó ông được bổ làm án sát Bình Định. Khi triều đình lập ban Doanh điền ở Hưng Hóa, Tự Đức cử ông làm Chánh sứ Sơn phòng Hưng Hóa. Năm Bính Tý (1876), ông được hàm Tuần phủ Hưng Hóa. Ông luôn luôn chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nhân dân gọi ông là Hoạt Phật (Phật sống). Trong thời gian ông giữ chức Tuần phủ Hưng Hóa, giặc Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ 2 (25/4/1882), Nguyễn Quang Bích đã báo cáo ngay về triều đình dư luận Bắc Kỳ lo ngại vì quân Thanh kéo sang ngày càng đông. Nhưng Tự Đức không
nghe mà còn trách ông: “Đem lòng tiểu nhân để đo bụng người quân tử, lẽ nào người Thanh lại làm các cử động vô nghĩa ấy”.

   Từ ngày 1 đến ngày 3/9/1883, quân Pháp tiến đánh Sơn Tây, thành Sơn Tây thất thủ, Hoàng Kế Viêm rút về thành Hưng Hóa, có cả quân Lưu Vĩnh Phúc, quân Thanh ở Vân Nam, Quý Châu đóng giữ. Nguyễn Quang Bích khi đó là Tuần phủ kiêm trấn thủ Hưng Hóa đưa quân của Bố chánh Nguyễn Văn Giáp từ Lâm Thao sang hợp lực.

   Đến tháng 3/1884 hầu hết các tỉnh Bắc Kỳ đều lọt vào tay quân Pháp chỉ còn thành Hưng Hóa. Thành Hưng Hóa trở thành tỉnh lỵ của Tam Tuyên (Sơn Tây – Hưng Hóa – Tuyên Quang) án ngữ đường thủy sông Thao, đường bộ đi Hòa Bình, Nghĩa Lộ. Trong thành có quân triều đình do Thống tướng Hoàng Kế Viêm chỉ huy; quân Tam Tuyên do Nguyễn Quang Bích chỉ huy, quân Thanh do Sầu Dục Anh, chỉ huy quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy đóng.

   Ngày 12/4/1884, thiếu tướng Négrier chỉ huy vượt sông Đà ở quãng Hạ Bì – La Thượng (nay thuộc xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Lúc đó lực lượng quân đội triều đình có quân chủ lực của triều đình do Hoàng Kế Viêm chỉ huy; quân đội địa phương do Nguyễn Quang Bích chỉ huy; hai đạo quân của nhà Thanh do Sầm Dục Anh, Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy. Song do triều đình nhà Nguyễn đầu hàng nên Hoàng Kế Viêm rút quân vào Thanh Sơn, quân nhà Thanh rút khỏi Hưng Hóa, trong thành chỉ còn lực lượng do Nguyễn Quang Bích chỉ huy. Quân Pháp tấn công, thành Hưng Hóa thất thủ, Nguyễn Quang Bích rút quân về Tiên Động xây dựng căn cứ kháng chiến. Tiên Động là vùng hiểm trở có thể rút vào Yên Lập, triển khai xuống Cẩm Khê, lên Hạ Hòa, sang Thanh Ba được. Ông được vua Hàm Nghi phong Lễ bộ Thượng thư, sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần Trung hầu. Cho phép ông được quyền lựa chọn, cất nhắc quan văn từ Tham tán, quan võ từ Đề đốc trở xuống được quyền tùy nghi tuyển dụng. Nghĩa quân Nguyễn Quang Bích ở căn cứ Tiên Động phải chống chọi với nhiều cuộc tấn công của quân Pháp, có tháng nghĩa quân phải đánh trả tới 15 cuộc tấn công.

   Giặc Pháp và tay sai không đánh thắng ông được trên mặt trận quân sự đã cho ngụy bố chính Hưng Hóa là Bùi Quang Thích và ngụy tri phủ Lâm Thao là Nguyễn Khắc Hợp lần lượt đến dụ hàng, nếu chịu giải quân ra làm quan, trở về làng sẽ được cấp hậu bổng. Sau đó thực dân Pháp lại cho bọn tay sai đầu sỏ viết thư dụ dỗ ông ra hàng sẽ được hưởng vinh hoa phú quý. Ông viết thư trả lời với giọng đanh thép: “… Nếu mà thắng mà sống thì là nghĩa sĩ của triều đình, nhưng chẳng may mà thua, mà chết thì cũng là quỷ thiêng giết giặc”.

   Giặc Pháp bắt mẹ ông bỏ tù, ông vẫn kiên quyết ở lại kháng chiến.Không đánh được Nguyễn Quang Bích bằng vũ lực, giặc Pháp cho tên bố chính Hưng Hóa Bùi Quang Tín, tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp đến dụ dỗ bị Nguyễn Quang Bích cự tuyệt

   Tháng 11/1887, quân Pháp bất ngờ ập đến đánh, ông và Nguyễn Văn Giáp phải đi lánh mỗi người một nơi. Tháng 3 năm Mậu Tý (4/1888) quân Pháp huy động lực lượng lớn, dùng chiến thuật giương đông, kích tây. Một mặt chúng cho 40-50 quân kéo đến đánh đồn bên Tả để thu hút lực lượng nghĩa quân. Mặt khác quân Pháp bắt người địa phương dẫn đường cho toàn bộ quân Pháp xuyên qua đèo Lao Khê, Nha Sơn tấn công vào phía sau đồn Đèo Ách – nơi Nguyễn Quang Bích và bộ tham mưu đóng và chiếm được đồn Đèo Ách.

   Trước sự tấn công ác liệt của địch, Nguyễn Quang Bích và các tướng phải tránh vào các động Mèo rồi rút quân về thủ hiểm ở châu Phù Sa (tức huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Khi giặc rút, Nguyễn Quang Bích trở về căn cứ.

   Quân thứ nghĩa quân phải di chuyển luôn tháng 5/1888 (tháng 4 năm Mậu Tý) ông phải rút về Sơn Động. Để tránh các cuộc càn quét của quân Pháp, tháng 8/1888 phải dời đến châu Yên Lập. Tại đây Nguyễn Quang Bích đánh nhiều trận lớn, Đề Thành, Đề Mạc là những viên tướng đánh nhiều trận tập kích xuất sắc Trong hơn 1 năm, nghĩa quân đánh thắng quân Pháp nhiều trận, song sức khỏe của Nguyễn Quang Bích ngày càng sa sút.

   Tháng 9/1889 ông thấy bệnh tình của mình ngày càng trầm trọng, khó lòng qua khỏi, ông dặn con cháu đi theo phục dịch việc quân: “Ta đã đem thân hứa quốc, không cần người đi lại thăm nom vô ích; sau này, nếu có nhớ đến ta, cứ lấy ngày thành Hưng Hóa thắt hãm làm ngày giỗ ta”.

   Nguyễn Quang Bích đòi Pháp trả lại thành, đặt lại vua Hàm Nghi thì mới có hòa hảo được.

   Trong những năm kháng chiến, ông đã cùng nghĩa quân làm thất điên bát đảo quân giặc. Do tuổi cao, hành quân, chiến đấu liên tục, ăn uống kham khổ, sống trong vùng nước độc, sơn lam chướng khí, nên ông bị đau yếu liên miên. Tuy vậy ông vẫn gắng gượng cùng các tướng chỉ huy nghĩa quân chống các cuộc tấn công của giặc bảo vệ căn cứ. Tháng 11/1889, ông truyền lệnh cho các tướng lĩnh và các quân thứ phải chuẩn bị đầy đủ vũ khí, lương thực cho cuộc tấn công lớn vào năm sau. Không ngờ ngày 15 tháng chạp năm Canh Dần (1/1890), ông đột nhiên chuyển bệnh nặng rồi mất tại đại bản doanh nghĩa quân ở núi Tôn Sơn, khi mới 54 tuổi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.