284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
LÊ VĂN HANH
Lê Văn Hanh quê ở xã Đại Từ, tổng Đại Từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nay là thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia khởi nghĩa, được Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật phong là Hiệp quản nên gọi là Hiệp Hanh. Ông là người chỉ huy làng chiến đấu Đại Từ, nhưng nghĩa quân ở Đại Từ mạnh nên Ngô Quang Huy và Nguyễn Thiện Kế thường điều động quân của ông đi đánh quân Pháp ở nhiều nơi trong tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên.
Hiệp Hanh cùng Tuần Tịnh quê ở xã Đông Mai cũng thuộc tổng Đại Từ chỉ huy nghĩa quân làng Đông Mai và mấy làng lân cận. Hai người thân thiết với nhau đã cùng nhau chiến đấu thắng nhiều trận lớn ở Thuận Thành, Văn Giang, Cầu Đuống, Từ Sơn. Sau Tuần Tịnh liên lạc với Pháp làm phản, có người mật báo cho Ngô Quang Huy biết. Ngô Quang Huy sai Hiệp Hanh bắt Tuần Tịnh về hỏi tội đầu hàng giặc, phản lại nghĩa quân. Mặc dù là bạn, nhưng việc quân là quan trọng, nên ông vẫn chấp hành. Tuần Tịnh biết việc mình định ra hàng Pháp đã bị bại lộ song ông là người nghĩa khí, dám chịu trách nhiệm trước việc mình làm nên hẹn với Hiệp Hanh: “Ông chờ tôi ở đầu làng, đúng giờ Ngọ tế thành hoàng xong, tôi sẽ theo ông về đầu thú”. Hiệp Hanh tin lời Tuần Tịnh nên ra đầu làng chờ. Đúng giờ Ngọ, tế Thành hoàng xong, cơm no, rượu say, Tuần Tịnh đi ra đầu làng nơi Hiệp Hanh đang chờ đợi. Khi đó con trai Tuần Tịnh là Lê Văn Vắn mới 16 tuổi nhưng nhanh nhẹn biết võ nghệ, đã từng theo cha ra trận can ngăn cha không nên ra nộp mình cho Hiệp Hanh, rút gươm ra đòi giết Hiệp Hanh. Tuần Tịnh là người trọng nghĩa khí nên trừng mắt nhìn mắng con: “Đây là chuyện người lớn, không phải chuyện trẻ con”, rồi thanh thản đi ra đầu làng. Tới nơi không chờ Hiệp Hanh nhắc, Tuần Tịnh tự mình chui vào cũi. Hôm đó Tuần Tịnh uống rất nhiều rượu ở đình, trời lại nắng gắt nên gần đến đại bản doanh của ông Tán Bắc thì Tuần Tịnh bị cảm, Hiệp Hanh sai quân đưa Tuần Tịnh ra khỏi cũi, mời lương y đến cứu chữa nhưng không kịp, Tuần Tịnh qua đời.
Từ tháng 3/1889 quân Pháp cùng tổng đốc Hoàng Cao Khải liên tiếp mở các cuộc tấn công lớn vào vùng Nam Bắc Ninh, Bắc Hưng Yên và Bắc Hải Dương. Do các hoạt động quân sự ráo riết đó của quân Pháp cánh quân do Ngô Quang Huy chỉ huy bị tan rã. Lãnh Vắn thấy thời cơ trả thù đã đến, liền “thương thuyết với Bố chính Bắc Ninh đóng ở đồn Đống Mối và gửi dấu ấn đến làm chứng tấm lòng thành thật ra hàng”.
Tháng 5/1889, Lãnh Vắn khi đó mới 21 tuổi, hắn cho tay chân đem cáng, tàn lọng về xã Đại Từ đón bố của Hiệp Hanh là ông Phó tổng đến khánh thành chợ Dọi. Đến chợ hắn vung dao chặt đầu ông Phó tổng, treo đầu ở gốc cây đa Dọi, còn xác thì cho người nhà đi theo đem về.
Hiệp Hanh khi đó đang chiến đấu ở huyện Ân Thi được tin báo liền cấp tốc về. Khi Hiệp Hanh về đến nơi thì Lãnh Vắn đã đầu hàng Pháp. Pháp cho lính đến đóng ở Cầu Bà Sinh, ông không lấy được đầu bố mình. Hiệp Hanh tức giận đem quân đến đốt phá làng Đông Mai. Được tin, Lãnh Vắn lúc này được Pháp tin cậy cho làm đồn trưởng đồn Đống Mối đưa quân đến đánh phá làng Đại Từ. Nhưng làng có luỹ tre, luỹ đất, hào sâu bao bọc, nghĩa quân và dân kiên quyết chiến đấu bảo vệ làng, Lãnh Vắn được công sứ Bắc Ninh tăng viện cũng không vào được làng Đại Từ, đành phải rút.
Ông Hiệp Hanh không lấy được đầu bố, không giết được Lãnh Vắn, uất quá hóa điên, nhịn ăn mà chết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.