284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐỀ YÊM



Đề Yêm tên thật là Đinh Văn Nghiêm, sinh năm 1858 trong một gia đình điền chủ, nhà có tới gần 60 mẫu ruộng ở làng Đồng Lạc, tổng Kim Bảng, phủ Lỵ Nhân, tỉnh Hà Nội, nay thuộc xã Đồng Hoá, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam. (Địa chí Hà Nam viết tên thật của ông là Đinh Quang Lý – Thắng cảnh Hương Sơn của Trần Lê Văn, Công ty phát hành sách Hà Tây xuất bản tháng 3/1999 viết chỉ huy cánh quân Bãi Sậy ở Hương Sơn là Đinh Vàn Thuận, ông còn có tên là Đề Yêm).

Đinh Văn Nghiêm tuy là lý trưởng, nhưng có lòng bao dung người nghèo, căm thù giặc Pháp cướp nước cùng bọn vua quan bán nước. Vì vậy, ngay từ năm 1883, khi Đổng Quế phát động cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy ở Khoái Châu, ông đã bí mật giúp đỡ lương thực. Đầu năm 1887 ông tập hợp những người bất mãn với bọn cầm quyền ở các xã Hoàng Tây, Văn Xá, Nhật Tân đi cướp thóc của nhà giàu chia cho dân đói. Ông đưa toàn bộ tiền thuế thu được ủng hộ nghĩa quân Bãi Sậy. Cuối năm 1887, tri phủ Phan Đình Hoè phát mại tài sản của ông để bù vào tiền thuế.

Đinh Văn Nghiêm cùng Tắc Vy vượt sông Hồng sang Khoái Châu gia nhập nghĩa quân Bãi Sậy. Chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật đổi tên ông là Yêm. Ông chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập nhiều chiến công, Nguyễn Thiện Thuật phong ông là Đề đốc quân vụ, quân sĩ gọi ông là Đề Yêm.
Cuối năm 1888, Nguyễn Thiện Thuật giao cho ông về xây dựng căn cứ ở Hà Nam. Đề Yêm xây dựng cơ sở thông tin liên lạc, trú quân ở các xã ven sông Hồng thuộc hai huyện Duy Tiên, Lý Nhân. Ông xây dựng tổng Kim Bảng vùng núi đá quê ông thành một cứ điểm quân sự vững chắc.

Tháng 9 năm 1889, quân Pháp liên tục tấn công Đề Yêm. Ông chuyển căn cứ kháng chiến đến chùa Tuyết Sơn nay thuộc xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây. Đề Yêm giao cho Thượng toạ Thích Thanh Quyết cùng Lãnh Cường xây dựng đồn tiền tiêu ở chùa Bảo Đài. Từ khi xây dựng căn cứ Tuyết Sơn, Bảo Đài, Đề Yêm luôn luôn xuất kích, tấn công các đồn binh Pháp, chặn đứng nhiều cuộc càn quét của chúng.
Sau trận đánh ngày 14/10/1891 nghĩa quân Đề Yêm hao tổn, vì không còn căn cứ, đạn dược, lương thực cũng bị quân Pháp cướp và phá huỷ. Đề Yêm cùng hoà thượng Thích Thanh Quyết, mấy nghĩa quân tâm phúc lên Yên Thế. Ông hy sinh trong một trận đánh ác liệt ở đồn Phồn Xương, Yên Thế vào đầu năm 1912.

Nhận xét Yề Đề Yêm, sách Lịch sử Hà Nam Ninh tập II viết: “Đề Yêm tham gia cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật được phong Đề đốc. Năm 1889 đề Yêm cùng Tắc Vy đem quân vượt sông Hồng về Đồng Văn (Duy Tiên), Chợ Đại (Kim Bảng), xây dựng phòng tuyến chống Pháp, sau đó mở rộng địa bàn sang chợ Dầu, Tuyết Sơn (Mỹ Đức, Hà Đông) lấy Tuyết Sơn làm căn cứ. Nghĩa quân đã đánh những trận lớn ở Quang Thừa, Mã Não (huyện Kim Bảng). Nhiều cuộc chiến đấu quyết liệt diễn ra ở các huyện Thanh Liêm, Nam Xang và vùng núi Hà Đông, trong trận làng Đùng (Thanh Liêm) cả làng bị giặc giết sạch. Nghĩa quân chiến đấu anh dũng, sau phải rút lui vì tương quan lực lượng giữa địch và ta quá chênh lệch”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.