284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
ĐỒ ĐÀM
Đồ Đàm tên thực là Đỗ Văn Đàm, còn gọi là “Đồ Hà Nam”, Đồ Hải. Ông người làng Tạ Xá, tổng Lương Xá, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Tây.
Ông Đồ Đàm văn hay, chữ tốt, nhưng vì nặng lòng yêu nước, thương dân ông thường làm thơ đả kích thực dân Pháp, quan lại Nam triều theo Pháp. Vì vậy bọn cầm quyền hằn học ông, chỉ tìm cách hãm hại. Tư tưởng chống Pháp của ông được thể hiện trong các bài thơ, nên ông đi thi nhiều lần đều bị giám khảo đánh trượt. Ông chán nản bỏ học, bỏ thi về làng mở trường dạy học. Học trò trong vùng, mến đức độ của ông theo học rất đông.
Trong khi ngồi dạy học, ông vẫn bí mật liên lạc với các phong trào khởi nghĩa như ông vượt sông Hồng sang căn cứ Bãi Sậy ở huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu liên lạc với thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật. Ông đã cùng một số học sinh tâm huyết trực tiếp điều tra các hoạt động quân sự, các vị trí đóng quân của quân Pháp ở huyện Phú Xuyên, huyện Thường Tín, Thanh Trì rồi báo cho nghĩa quân Bãi Sậy sang tập kích, tiêu biểu là các trận đánh vào huyện lỵ Thanh Trì ngày 8/7/1888 do Đội Văn chỉ huy 500 quân; tấn công huyện Thanh Trì vào tháng 7 năm 1889.
Năm 1892, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy tan rã, Đồ Đàm lên Yên Thế yết kiến tướng quân Hoàng Hoa Thám. Khi Hoàng Hoa Thám thành lập đảng Nghĩa Hưng ở Hà Nội thì Đồ Đàm là một yếu nhân của Đảng này. Đảng Nghĩa Hưng chủ trương làm nội ứng cho nghĩa quân Yên Thế về đánh thành Hà Nội. Ông có nhiều quan hệ với đảng Nghĩa Hưng, tích cực chuẩn bị cho việc đánh thành Hà Nội. Kế hoạch đánh thành Hà Nội lúc đầu định vào ngày 15/11/1907, sau hoãn đến ngày 16/5/1908, cuối cùng do đích thân thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám duyệt sẽ diễn ra vào ngày 27/6/1908, khi các bồi bếp đầu độc sĩ quan và binh lính Pháp. Một bộ phận nội ứng khác làm nổ kho thuốc súng. Ông Đồ Đàm được đảng Nghĩa Hưng giao nhiệm vụ cùng các ông Lang Seo khi đó đóng giả làm thầy bói đến các đền, chùa tuyên truyền nhân dân chống Pháp được giao nhiệm vụ hạ cờ Pháp kéo cờ khởi nghĩa lên Cột Cờ Hà Nội làm hiệu lệnh. Song thuốc độc do các bồi bếp đầu độc lính Pháp vì chế bằng cà độc được nên quá nhẹ, chỉ làm cho chúng say, nôn mửa không làm cho chúng chết. Cuộc khởi nghĩa bị lộ, giặc Pháp báo động toàn thành phố và lùng bắt các hạ sĩ quan, bồi bếp, binh lính ở trong thành chúng nghi có liên quan đến vụ đầu độc. Quân Pháp điều quân ra bờ sông Hồng, cầu Phùng, Cầu Giấy, Ngã tư Sở, Lò Lợn, Gia Lâm, Chèm chặn đánh các cánh quân từ Yên Thế về. Cuộc binh biến thất bại hoàn toàn. Trong khi đó ông Đồ Đàm núp ở gần Cột Cờ chờ mãi không nghe thấy súng lệnh nổ, chỉ thấy giặc Pháp lùríg sục, bắt người khắp các phố. Ông Đồ biết là đại sự bị bại lộ, liền cùng một người học trò cùng làng Tạ Xá đóng vai người kéo xe tay chờ sẵn kéo ông từ Hà Nội về Tạ Xá. Ông biết thế nào giặc cũng về làng lùng sục bắt mình liền vượt sông Hồng sang một làng ở huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu ẩn náu, chờ thời. Giặc Pháp truy lùng ông Đồ Đàm, chúng hẹn cho lý dịch làng Tạ Xá phải đem nộp ông nếu không chúng sẽ triệt hạ làng Tạ Xá quê ông và làng Vân Hội quê ngoại ông.
Ông Đồ Đàm không muốn để liên lụy đến bà con, liền thiêu hủy tài liệu, trở về làng. Ngay từ khi ông từ phủ Khoái Châu trở về làng, bọn mật vụ đã biết báo cho bọn cầm quyền. Chúng khâm phục nghĩa khí của ông và cũng sợ dân kịch liệt phản đối chúng, nên chúng chỉ bao vây chặt làng Tạ Xá chứ không vào bắt ông ngay để mặc ông từ biệt con cháu, học trò cùng họ hàng, dân làng. Mãi đến khi cuộc “tế sống” thày tàn cuộc giặc Pháp mới vào bắt. Oai phong của ông lẫm liệt, khiến giặc không dám trói, không dám đeo gông, ông đàng hoàng đi giữa đường làng vẫy chào đông đảo dân làng ra vĩnh biệt, ông chỉ căn dặn một điều: “Bà con ở lại ngẩng cao đầu mà sống, đừng tiếp tay cho giặc”.
Giặc Pháp giải ông ra Hà Nội giam tại Hỏa Lò và hành quyết ông cùng một số đồng chí của ông phần lớn là các đảng viên đảng Nghĩa Hưng người Hà Nội tại pháp trường Quần Ngựa, Hà Nội. Nhân dân Hà Nội đã chứng kiến giây phút anh hùng của ông Đỗ Đàm và các đồng chí của ông. Từ đó cứ tới ngày 10 tháng 11, con cháu học trò, họ hàng, thân thuộc lại tập trung ở nhà ông Đẩu, trưởng tràng cúng giỗ thày.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.