284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐỐC MUỖI



   Đốc Muỗi tên thật Lê Văn Muỗi quê ở làng Khúc Khu, xã Lỗ Xá, tổng Yên Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Phúc Xá, xã Phan Đình Phùng, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

   Tháng 4 năm 1883, khi Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật quê ở làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, tổng Bạch Sam huyện Mỹ Hào làm Tổng đốc Hải – Yên từ quan về Đông Triều khởi nghĩa đánh Pháp, thì bốn anh em trai trong đó có Lê Văn Muỗi đã chiêu mộ dân làng Khuốc gia nhập đội nghĩa binh về Đông Triều ứng nghĩa.

   Lê Văn Muỗi cùng với các anh trai là Cả Thảo, Hai Thao và các ông Vũ Xuân Quang, Cai Thóc, Cai Tiên, Sư Rốn đều là những người ở các thôn trong xã Lỗ Xá thành lập một đội nghĩa quân bí mật, luyện tập quân sự, chờ thời cơ khởi nghĩa. Các ông đã nhiều lần cảnh cáo bọn lý dịch trong tổng không được theo Pháp làm hại dân, khống chế ba em trai của Cả Nhiên đã đi lính đeo lon đội nhất lính Khố đỏ không được tiếp tay cho Pháp làm hại dân.

   Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật ở Long Châu nhận được tin vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương liền về nước. Ông được vua Hàm Nghi phong là Bắc Kỳ hiệp thống quân vụ đại thần trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thay Đổng Quế vừa lâm bệnh từ trần.

   Tháng 9/1885, Ba Muỗi cùng với anh trai là Cả Thảo, Vũ Xuân Quang được triệu tập về Văn chỉ Bình Dân dự lễ tế cờ và nghe đọc chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi. Sau lễ tế cờ, thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật phong chức tước cho chỉ huy các đội nghĩa quân. Lê Thảo và Vũ Xuân Quang được phong chức Lãnh binh, ông được phong chức Đốc binh. Trở về quê, các ông đã phát triển lực lượng nghĩa quân ở tổng Yên Xá. Các ông còn liên kết với nghĩa quân tổng Thái Lạc, phủ Thuận Thành do Tuần Khấu, Đề Quân, Đốc Nhông chỉ huy thành “căn cứ Khuốc – Lạng”.

   Đốc Muỗi đã tham dự nhiều trận phối hợp với Tuần Khấu, Đốc Nhông ở thôn Hương Lãng, tổng Thái Lạc, huyện Thuận Thành tấn công đồn Bần Yên Nhân, lấy được đầu Đề Quân bị chúng cắm cọc bêu ở cổng đồn. đốt cháy đồn vào khoảng tháng 3 năm 1886.

   Trong năm 1886-1887 ông cùng Lãnh Thảo, Lãnh Quang, Đôi Khĩnh, Đội Thi đánh phá các đồn binh trạm gác của giặc Pháp mới xây hoặc đang xây ở đường 5 đoạn từ Phố Nối đi huyện lỵ Đường Hào, đoạn từ Quán Gỏi đi Cẩm Giàng – Bắc Ninh. Khi nhận được tin quân Pháp đóng dã ngoại ở cầu Bà Sinh thuộc huyện Thuận Thành, nay thuộc Văn Lâm, ông đem quân tập kích, giết chết một số tên, thu vũ khí. Ông phối hợp với nghĩa quân tổng Thái Lạc tấn công đồn Điền (Xuân Đào), đồn Đống Mối (Đông Mai) gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Ông cũng có mặt trong trận nghĩa quân mai phục ở cánh đồng Liêu Trung giết chết 31 tên lính Pháp, lính Nam, trong đó có tên giám binh Louis Ney, bang tá Nguyễn Hữu Hào, bắt hụt Hoàng Cao Khải.

   Tháng 12/1888 ông cùng Lãnh Thảo, Lãnh Quang tập kích vào sườn quân hỗn hợp Lê dương – pháo binh Bắc Kỳ – vệ binh dân sự đông tới 223 tên do trung uý Corre chỉ huy đang tấn công đội quân của Lãnh binh Lưu Ngọc Tháu ở làng Liêu Trung tổng Liêu Xá cũng ở huyện Đường Hào khiến quân Pháp phải tháo chạy.

   Giặc Pháp càn quét vùng Khuốc – Lạng bắt được Đốc Muỗi tại chợ Trạm, phủ Thuận Thành. Chúng áp giải ông về đồn Đống Mối tra hỏi. Ông không khai báo nửa lời, còn nguyền rủa chúng là quân bán nước thờ quan Tây. Suốt hai ngày ròng rã Đốc Muỗi nhịn ăn, nhịn uống. Bọn giặc ở đồn Đống Mối nhốt ông vào cũi sắt kéo từ Đống Mối, qua Hương Lãng, đến làng Khuốc chúng gọi loa cho người nhà ra nhận mặt. Chúng kéo ông về đồn Bần Yên Nhân. Trước khi đưa ông ra xử chém, chúng cho ông một bát cơm, ông hất cơm đi, đập bát lấy mảnh khoét rốn lôi ruột ra thét lớn: “Muỗi từ nay không thèm đốt chúng bay nữa mà nhân dân sẽ giiết chúng bay!”. Chúng sai tên đao phủ xông tới chém ông. Dòng máu hồng của ông vọt lên cao tưới ướt đẫm mảnh đất Bần Yên Nhân nơi đã thấm máu biết bao anh hùng liệt sĩ bị chúng hành hình ở đây. Chúng đem đầu ông cắm cọc đem bêu, còn thây vứt xuống sông Bần Yên Nhân, trôi dạt vào vó bè của cánh đồng Đìa, nhân dân vớt lên chôn ở mé song. Vài ngày sau anh em đang đêm tới đào lên đem về làng Khuốc chon, chỉ đánh dấu hòn đá rồi san bằng mặt.

   Từ ấy cho đến nay, con cháu (chỉ có ông Tư Dệu là có con, còn bốn ông chưa có vợ con) không biết đích xác ngày ông hi sinh chỉ cúng ông vào ngày ông đi. (Lê Quang Tuyến – Lê Thị Hoà cháu gọi bằng ông và các cụ cao tuổi ở làng Khúc Khu (Phúc Xá), làng Lạng (Hương Lãng) kể với tác giả.)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.