284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐỐC NHƯỠNG



   Đốc Nhưỡng tên thật là Đinh Khắc Nhưỡng, ông còn có tên là Đinh Quang Nghĩa, con thứ ba ông Đinh Quang Khánh. Ông người thôn Phú Lãng Đông, xã Đô Kỳ, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, nay là xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, Thái Bình.

   Ngày 27/3/1883 thành Nam Định thất thủ các tướng phân tán về quê quán chiêu mộ nghĩa quân, xây dựng căn cứ đánh Pháp. Đốc Nhưỡng tuy còn trẻ tuổi, nhưng có kiến thức quân sự, lại có nhiệt tình yêu nước, căm thù giặc Pháp cũng noi gương các bậc đàn anh về quê hương ở xã Đô Kỳ chiêu tập những người yêu nước, sắp xếp vào đội ngũ, sắm sửa vũ khí, thuyền bè, tích trữ quân lương, đào hào đắp luỹ biến xã Đô Kỳ thành căn cứ chuẩn bị khởi nghĩa.

   Đầu năm Hàm Nghi thứ nhất (1885), Đốc Nhưỡng cùng Bang Tốn khởi nghĩa. Nghĩa quân của hai ông thoắt ẩn, thoắt hiện gây cho quân Pháp và quân triều đình nhiều phen thất bại.

   Tháng 6 năm Ất Dậu (7/1885), sau vụ khởi nghĩa ở Kinh thành Huế không thành, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn hộ giá vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương. Lập tức các thủ lĩnh nghĩa quân ở Thái Bình (khi đó Thái Bình còn nằm trong tỉnh Nam Định và Hưng Yên, mãi đến năm 1890 tỉnh Thái Bình mới được thành lập) đã nổi dậy chống Pháp từ tháng 3 năm 1883 khi thành Nam Định thất thủ như Vũ Văn Hoan (tức Đề Hoan), Đinh Khắc Nhưỡng (Đề Nhưỡng) người xã Đô Kỳ, Lãnh Nhàn (Nguyễn Nhàn) người xã An Dực (Phụ Dực)… được thêm sức mạnh với lời kêu gọi trong Chiến Cần vương của vua Hàm Nghi đã lập tức chiêu mộ thêm quân sĩ mở nhiều trận đánh vào các đồn binh Pháp, các phủ đường huyện đường có quan lại người Nam theo Pháp.

   Đốc Nhưỡng cùng các nghĩa quân chiến đấu chống quân Pháp và lũ tay sai đánh thắng nhiều trận lẫy lừng ở Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên.

   Đốc Nhưỡng còn cùng Lãnh Hoan bắt Vũ Văn Báo vốn là học trò của Vũ Hữu Lợi, tên Báo đã báo cho Pháp lừa bắt thày xử chém vào chiều 30 Tết năm Giáp Thân (1885), hai ông đã đưa tên Báo về căn cứ đốt sống làm cây đuốc tế thày.

   Ngày 17 tháng 6 năm Thành Thái thứ 3 (1891), Đốc Nhưỡng tập hợp 100 nghĩa quân mặc quần áo lính tây, có vũ khí đầy đủ trên đường về tiến công thị xã Thái Bình, thì bị quân Pháp chặn đường đánh. Cuộc xung đột diễn ra quyết liệt, tiền quân Khái bị thương tiến về Thư Trì thì bị tên tri huyện Nguyễn Duy Tiên bắt nộp cho công sứ Thái Bình, Đốc Nhưỡng chạy lên Sơn Tây, sau cùng bị giặc Pháp phát hiện bắt giải về Hà Nội.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.