284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
ĐỘI TÁM
Đội Tám tên thật là Lê Xuân Tuyển, sinh năm 1831 trong một gia đình ngư dân ở làng Đông Thành, xã Hà Lộ, tổng Ngọc Chuế, huyện Hoằng Hoá, nay thuộc xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Lê Xuân Tuyển là một ngư dân quen nghề sông nước, nên năm Tân Hợi (1851) ông được tuyển làm lính thuỷ. Nhiệm vụ của ông là vận chuyển lương thực dùng vào việc quân từ các tỉnh Bắc Kỳ vào Kinh đô Huế. Do ông mẫn cán hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nên được bổ nhiệm làm Đội trưởng. Từ đó ông có tên là Đội Tám.
Năm 1864, Đội Tám được chỉ định chỉ huy chiến thuyền đánh bọn hải phỉ ở vùng đảo Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Yên. Với tài dụng binh, ông không bày trận đánh bọn hải phỉ vốn thạo thuỷ chiến, mà tổ chức một trận đánh úp diệt được nhiều chiến thuyền, bắt sống được tên cầm đầu hải phỉ. Vùng biển Quảng Yên được giữ yên. Tháng 10 năm Bính Dần (1866) vua Tự Đức tin cậy giao cho Đội Tám áp tải quân lương, trông coi việc đóng chiến thuyền bọc đồng cho triều đình. Năm Kỷ Tỵ (1870) ông chỉ huy việc thao diễn binh lính hoàn hảo, được triều đình thưởng tiền. Đến năm Nhâm Thân (1872) ông được thăng chức Chánh đội trưởng suất đội. Cuối năm 1883 vua Hàm Nghi lên ngôi, Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết xây dựng Tân Sở ở Quảng Trị thành căn cứ quân sự để khi cần thiết thì chuyển triều đình về đó chỉ đạo kháng chiến. Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn tin tưởng giao cho ông nhiệm vụ quan trọng xây căn cứ này. Sau đó ông lại được giao chở vàng bạc, vũ khí ở Kinh đô ra, chuyển lương thực ở các tỉnh Bắc Kỳ vào dự trữ ở Tân Sở.
Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở sơn phòng Tân Sở, ông được cử ra đóng ở sơn phòng Hà Tĩnh. Tháng 7/1885 Tôn Thất Thuyết tấn công quân Pháp ở Kinh thành Huế, việc không thành, các ông rước vua ra Tân Sở, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương. Đội Tám đã hưởng ứng chiếu Cần vương bằng hành động phát động thân hào, thân sĩ, nhân dân ở ba tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá thành lập các đội nghĩa binh đánh Pháp. Khi quân Pháp chiếm được tỉnh thành Thanh Hoá một cách dễ dàng vì quan quân sợ giặc mở cửa thành đầu hàng, Đội Tám bỏ về quê ở Hoằng Hoá. Lúc này phong trào Cần vương ở Thanh Hoá phát triển rầm rộ, các thủ lĩnh nghĩa quân ở Thanh Hoá cử ông làm Tán lý Lãnh binh. Ông tổ chức nghĩa quân ở vùng biển Hoằng Hoá rồi liên lạc với các thủ lĩnh Phạm Bành, Nguyễn Đôn Tiết. Các thủ lĩnh Cần vương Thanh Hoá quyết định xây dựng chiến luỹ Ba Đình với kiến trúc đặc biệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh là xếp các sọt bùn tạo nên tường thành. Nhiệm vụ này được giao cho Đội Tám người có đóng góp quan trọng trong việc xây.dựng căn cứ Tân Sở ở Quảng Trị thực hiện. Tháng 9 năm 1886, chiến luỹ xây xong, Đội Tám cho chuyển lương thực, thực phẩm dự trữ chứa trong các kho nửa chìm, nửa nổi. Số lương thực này đủ cho đội quân phòng thủ sử dụng trong 6 tháng. Các thủ lĩnh phong trào Cần vương Thanh Hoá rất hài lòng với cấu trúc của chiến luỹ này. Khi trên 300 nghĩa quân được lựa chọn ở các cánh quân trong tỉnh tới, Đội Tám được phong chức Chánh Đề đốc phụ trách việc huấn luyện chiến thuật phòng ngự, tấn công cho anh em. Sau trận này quân Pháp tập trung quân Pháp, lính Nam triều, giáo dũng trở phá các căn cứ của phong trào Cần vương toàn tỉnh. Nhiều thủ lĩnh hy sinh, bị bắt, bị hành hình. Đội Tám về quê trú ẩn, giặc phát hiện được, bắt ông đi tù vài năm rồi thả về. Ông sống cuộc đời bình dị ở quê, mất năm Kỷ Dậu (1909) ở tuổi 79.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.