284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
ĐỘI VĂN
Đội Văn tên thật là Vương Văn Vang, trong các bản Thông cáo của ông gửi nhân dân Yên Dũng (Bắc Giang) vào tháng 10-1889 ông cũng thường xưng là “Đề đốc họ Vương”. Ông quê ở thôn Thuận An, xã Trạm Lộ, tổng Tám Á, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Vương Văn Vang trở thành một viên dũng tướng trong Tam tỉnh nghĩa quân, ông đã góp phần tích cực xây dựng căn cứ Đình Bảng, căn cứ núi Nham Biền, huyện Yên Dũng. Vương Văn Vang (khi đó gọi là Đội Văn) đã đánh thắng nhiều trận lớn trong đó có trận thắng lớn làng Ngọc Trì (tên Nôm là làng Bến) huyện Lang Tài tỉnh Bắc Ninh. Đội Văn còn tổ chức trận đánh lớn vào đồn Hồ cướp súng của quân Pháp trang bị cho nghĩa quân.
Cuối năm 1884 “Tam tỉnh nghĩa quân” tan rã, Đội Văn cùng Tuần Xô vẫn hoạt động ở Nam Bắc Ninh. Khi Tuần Xô hy sinh trong trận Hà Mẫn, Đội Văn tiếp tục hoạt động, song để cung cấp quân lương cho gần 200 quân rất khó khăn, ông thường phải đi “làm lương” tức là thu thuế của dân, vận động nhân dân ủng hộ, và cướp thóc của nhà giầu. Trong lễ Tế cờ ở Văn chỉ Bình Dân, Nguyễn Thiện Thuật phong cho Đội Văn chức Đề đốc dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Ngô Quang Huy. (Daufes viết trong cuốn: “Bảo an binh Đông Dương từ ngày thành lập đồn này viết: “trong vùng giáp ranh Hai Dương. Bắc Ninh – Hưng Yên có Đốc Sung, Đội Văn, Hai Kế”).
Tháng 7/1887 Đội Văn tấn công Phố Bạc nay là xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Trước sự truy kích ráo riết của quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải, nghĩa quân do Đội Văn chỉ huy bị tổn thất nặng nề, một số thủ lĩnh dưới quyền ông và nhiều nghĩa quân hy sinh, dân chúng ở các làng ủng hộ nghĩa quân bị tàn sát, nhà cửa, đình chùa bị đốt phá. Hoàng Cao Khải biết Đội Văn lâm vào tình thế nguy ngập liền viết thư dụ hàng. Ngày 27/2/1889 Đội Văn viết thư cho Hoàng Cao Khải xin đầu hàng. Pháp và Hoàng Cao Khải rất mừng trao lại toàn bộ số vũ khí trên cho ông và cấp thêm 50 khẩu súng trường để ông đánh nghĩa quân.
Ngày 17-9- 1889, Đội Văn sau 8 tháng trá hàng, trong một trận quân Pháp sai ông đi đàn áp nghĩa quân ông đã ước hẹn trước với một số đồng chí rồi bí mật đem 200 quân, 100 tay súng vượt sông Đuống nhập với toán quân của Lãnh Đội đã chờ sẵn theo mật ước từ trước. Nghĩa quân mặc quần áo lính theo đường số 1 qua sông Cầu để lên Yên Thế gia nhập nghĩa quân Đề Nắm (Lương Văn Nắm) tiếp tục đánh Pháp. (Daufes, sách đã dẫn – Báo Le Courier d’ Hải Phòng năm 1889 viết là Đội Văn đem theo 40 súng. Thco chúng tôi, khi Đội Văn ra hàng, Pháp để nguyên số súng của đội quân của ông lại trang bị thêm 50 súng nữa, như vây số súng ông đem đi phải nhiều – VTS).
Trong một thông báo gửi nhân dân Bắc Ninh, Đội Văn tuyên bố rằng “mình đã trá hàng để tạo khả năng nghiên cứu kỹ càng hơn tổ chức và chiến thuật của quân đội Pháp, do đó sẽ bảo đảm đánh được họ khi thời cơ đến nhằm đánh đuổi bọn dã man phương Tây ra khỏi xứ sở Bắc Kỳ”.
Đội Văn trở lại hàng ngũ kháng chiến lại liên kết với nghĩa quân Yên Thế làm cho bọn xâm lược Pháp ở Bắc Kỳ rất hoảng sợ. Chúng phải kêu lên: “Lúc này Đội Văn lại hoạt động mạnh trong vùng rộng lớn giữa Phủ Lạng Thương Bắc Ninh và Tỉnh Đạo” và: “Cách đây 2 tháng người ta có thể ung dung đi lại trên con đường Hà Nội – Lạng Sơn, nhưng ngàv nay thì người ta sẽ phải “vũ trang đến tận răng” thế mà cũng phải là người táo bạo lắm mới dám đi từ Đáp Cầu đến Phủ Lạng Thương”.
Bọn chỉ huy quân sự Pháp ở Bắc Kỳ lập tức ra lệnh cho đồn binh Phủ Lạng Thương phải dò tìm đường hành quân của ông. Tên trung úy May e (Meyer) chỉ huy đồn Phủ Lạng Thương lập tức cho lính lùng sục vùng Phủ Khê, Liên Bộ, Lán Tranh. Đội Văn trở về Bắc Ninh. Trong một bức thư gửi nhân dân Yên Dũng. tỉnh Bắc Ninh đề ngày 25-8 âm lịch, năm Hàm Nghi thứ 5, Đội Văn nêu rõ: “mục đích chiến đấu của ông là nhằm để đánh đuổi giặc xâm lược Pháp, khôi phục lại đất nước, mang lại hòa bình, yên tĩnh thực sự cho nhân dân và chấm dứt những nỗi đau khổ đang đè nặng lên mọi người. Cũng để đạt được mục đích trên, Văn đã chiêu mộ nghĩa quân tổ chức lực lượng quân sự chống Pháp. Văn kêu gọi nhân dân tích cực ủng hộ nghĩa quân”.
Để diệt trừ Đội Văn, quân Pháp đã điều động một lực lượng lớn tràn lên Yên Thế để tiêu diệt lực lượng. Ngày 31-10-1889 cố đạo Tây Ban Nha Lê Vátcô làm trung gian, chúng đem nộp ông cho đồn binh Pháp ở Bắc Ninh. Mặc dù ông bị thương, bị ốm nặng chúng vẫn nhốt ông vào cũi, đeo gông cổ, xiềng tay chân giải về Hà Nội.
Bắt được Đội Văn, bọn xâm lược Pháp xử chém ông ngày 7 tháng 11 năm 1889 tại bãi đất trống cạnh hồ Hoàn Kiếm. Khi ông chết, giặc Pháp vẫn sợ, chúng chặt đầu ông đưa về bêu ở Bắc Ninh, còn xác ném xuống sông Hồng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.