284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

HÒA THƯỢNG THÍCH THANH ĐIỀU



   Tin giặc Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai (2514/1882) truyền đến vùng rừng núi châu Thoát Lãng, tỉnh Lạng Sơn, gây nỗi kinh hoàng và căm phẫn trong dân chúng. Lập tức Hoàng Đình Kinh, quê ở làng Thuốc Sơn, châu Thoát Lãng, nay là xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn là người giỏi võ, tính tình hào hiệp, nhà giầu, thu nạp được nhiều người nổi tiếng trong giới giang hồ, hùng cứ cả một vùng Dương Yên, Giàng Thượng, châu Thoát Lãng triệu tập anh em họp gấp, kêu gọi kháng chiến.

   Trong số thủ hạ của Hoàng Đình Kinh có Hoàng Đình Điều người cùng xã được dự họp ngay từ đầu. Hoàng Đình Điều giỏi võ nghệ, bắn súng được xếp vào hàng thiện xạ, được Cai Kinh giao cho chỉ huy một đội quân. Đội quân này chiến đấu dũng mãnh, thường đi tiên phong trong các trận đánh. Hoàng Đình Điều đã sát cánh với chủ tướng Cai Kinh trong các trận đánh quân Pháp ở Kép, Phủ Lạng Thương, tiêu diệt đồn Than Muội (5/1885), tiêu diệt đồn Mai Sao (4/1886). Đầu năm 1888 Hoàng Đình Kinh bị giặc Pháp phục kích bắt được khi ông đang trên đường tới biên giới Việt – Trung. Ngày 6/7/1888 giặc Pháp xử tử Cai Kinh, Hoàng Đình Điều cùng phần lớn các tướng và nghĩa quân gia nhập cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

   Đến Yên Thế, Hoàng Đình Điều trực tiếp chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Đề Thám. Ông tham gia các trận đánh ở làng Dương Sặt (nay thuộc xã Liên Sơn), Thế Lộc (nay thuộc xã Tân Trung đều thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Trong suốt thời gian từ năm 1891 đến năm 1892 , Hoàng Đình Điều luôn luôn chiến đấu cạnh Đề Thám. Sau đó Hoàng Đình Điều được Đề Thám giao cho xây dựng căn cứ mới ở núi Tam Đảo.

   Hoàng Đình Điều chỉ huy toán nghĩa quân ở Tam Đảo cho tới tận năm 1920, quân số bị tổn thất trong các trận đánh, ông mới quy y cửa Phật lấy pháp danh là Thích Thanh Điều về tu ở chùa Vua.

   Chùa Vua ở phố Thịnh Yên, nay thuộc phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Chùa Vua là tên gọi chung của chùa Hưng Khánh, điện Thiên Đế và Điện Mẫu. Chùa được xây dựng từ thời Lê. Đây là một bộ phận của cung Thừa Lương, nơi vua và các đại thần nghỉ ngơi trước khi ra tế Nam Giao (nay là địa điểm nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo).

   Thích Thanh Điều khoác áo tu hành nhưng vẫn canh cánh bên lòng chí nguyện đánh giặc cứu nước, nên ông đã mở lò dạy võ để kén chọn nhân tài phòng khi dùng đến.

   Trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946, chùa Vua là nơi đóng quân, chứa vũ khí của Vệ Quốc đoàn và tự vệ Thành Hà Nội. Ngày 10/4/1956 Hồ Chủ tịch đến thăm chùa.

   Ngày 21/8/2001, Chính phủ truy tặng nhà sư Hoàng Đình Điều bằng khen của Chính phủ về thành tích chống giặc ngoại xâm. Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa ngày 21/01/1992.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.