284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

LÃNH MẬU



Lãnh Mậu tên thực là Hoàng Văn Mậu, quê gốc ở làng Văn Kỵ, nay là xã Bối Khê, huyện Thường Tín, gần Vân Đình tỉnh Hà Tây. Sau tổ tiên về lập nghiệp ở xã Sài Trang, tổng Sài Trang, huyện Đường Hào tỉnh Hải Dương nay là thôn Ông Tố, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên.

Năm 1883, Hoàng Văn Mậu 35 tuổi cũng là giặc Pháp hạ thành Hưng Yên, Hải Dương lần thứ hai, triều đình Huế ký hoà ước với Pháp ra lệnh bãi binh, Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật chống lệnh, trao trả quan tước, về Chí Linh, Đông Triều xây dựng căn cứ chống Pháp. Cả huyện Mỹ Hào quê hương ông nhiệt liệt hưởng ứng. Ông đến chùa Xuân Nhân, xã Xuân Dục tổng Bạch Sam huyện Mỹ Hào, nơi đây vừa là quê hương và vừa là căn cứ của Tán tương quân vụ xin tòng quân. Rất nhiều người ở các xã trong tổng Sài Trang gia nhập nghĩa quân. Sau vụ ông tham gia giết tên cường hào ở thôn Đỗ Xá, cùng xã Sài Trang theo Tây thì Hoàng Văn Mậu cùng vợ và hai con gái là Từ Huỳnh, Từ Vát xuống làng Nguyễn Xá cùng tổng, vì dưới đó ông cũng có họ hàng. Một lý do nữa là vùng Nguyễn Xá, Tam Trạch có lực lượng nghĩa quân rất mạnh, do Đốc binh Vũ Văn Đồng quê ở Tam Trạch chỉ huy.

Từ khi xuống Nguyễn Xá, ông Mậu tổ chức nghĩa quân và nhân dân xây dựng làng chiến đấu. Ông trở thành trợ thủ đắc lực của Đốc binh Vũ Văn Đồng quê ở Tam Trạch. Đình Nguyễn Xá là nơi Hoàng Văn Mậu thường xuyên tập trung, huấn luyện võ nghệ cho nghĩa quân. Đền Cương ở cánh đồng gần làng hồi đó còn là rừng núi, rừng sậy, cây cối rậm rạp um tùm là nơi ông cùng các thủ lĩnh họp bàn việc quân cơ. Cây đề ở Tam Tầng nằm trên trục đường đất Cầu Treo- Cầu Hầu là trạm gác tiền tiêu của nghĩa quân. Do trong chiến đấu Hoàng Văn Mậu Mậu lập được nhiều chiến công, ông được phong là Lãnh binh (dân làng thường gọi ông là Lãnh Mậu).

Tháng 3 năm 1885 khi Nguyễn Thiện Thuật sang Long Châu (Trung Quốc) thì Đốc Đồng và Lãnh Mậu gia nhập cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Đổng quân vụ Đinh Gia Quế chỉ huy.

Tháng 7 năm 1885, Đổng quân vụ Đinh Gia Quế ốm, dưỡng bệnh ở làng Dương Trạch nằm trong căn cứ Bãi Sậy, thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đã đưa cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lên quy mô rộng lớn, chủ động tấn công quân Pháp ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Yên, đột nhập vào một số thành phố lớn…

Lãnh Mậu đã chỉ huy nghĩa quân đánh quân Pháp nhiều trận như trận đánh quân Pháp càn vào vùng Tam Trạch. Ông còn phối hợp với nghĩa quân ở Bối Khê, Ân Thi do Đề Ban chỉ huy tấn công đồn Mai Đường ở xã Đỗ Mỹ, trên đường 38 ở huyện Ân Thi. Lãnh Mậu đã giết Đô Tép quê ở xã Thuỵ Trang (nay là xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ) làm phản khi hắn từ Sặt theo bờ sông Hoan Ái về Lực Điền.

Lãnh Mậu cũng đã tham gia trận đánh lớn ngày 12/11/1888  tại Lưu Trung do đích thân Nguyễn Thiện Thuật và nhiều tướng lĩnh chỉ huy, giết chết tên Louis Ney, bang tá Nguyễn Hữu Hào cùng 31 tên Pháp, suýt bắt được Hoàng Cao Khải.

Sau trận đánh này Lãnh Mậu bị giặc Pháp bắt chặt đầu ở vực Nghĩa Xuyên gần xã Tam Trạch và Nguyễn Xá vào năm 1889. Ông mất khi vừa tròn 40 tuổi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.