284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
LÃNH SẬY
Lãnh Sậy tên thật là Nguyễn Đình Mai, còn gọi là Nguyễn Xuân Mai, người làng Thọ Bình, cùng thôn với Đinh Gia Quế. Ông là người có công lớn xây dựng và phát triển lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy từ năm 1883 đến năm 1885. Ông là người thiết kế và chỉ đạo thi công thành Thọ Bình ở ấp Thọ Bình. Ấp này ở cách xa làng Thọ Bình, gần ấp Dương Trạch, gần đê sông Hồng, cách đền Hóa Dạ Trạch theo đường chim bay một kilômét. Đó là một kiến trúc quân sự hiện đại vào cuối thế kỷ XIX.
Ngoài nhiệm vụ xây dựng lực lượng nghĩa quân, xây dựng công trình phòng thủ, với phương châm tự túc lương thực tới mức cao nhất. Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế giao cho Lãnh binh Nguyễn Đình Mai chỉ huy hậu cần lo quân lương, vũ khí cho quân khởi nghĩa. Nguyễn Đình Mai đã thu thuế của nông dân cứ mỗi mẫu ruộng nộp ba phương thóc, ông còn tịch thu thóc của quan lại, địa chủ theo Pháp chống nghĩa quân. Ông cũng quan hệ chặt chẽ với chánh tuần huyện Đông Yên Dương Văn Bính ở xã Phù Sa mật báo cho ông biết ngày giờ, địa điểm quân Pháp vận chuyển quân lương để ông cho quân đánh úp cướp lương.
Nhằm tự túc lâu dài và ổn định lương thực cho nghĩa quân, giảm bớt sự đóng góp của nhân dân Nguyễn Đình Mai đã chọn những nghĩa quân già yếu và những nông dân tự nguyện đi phục vụ nghĩa quân phát, đốt sậy khai hoang đắp bờ được hàng trăm mẫu cấy lúa, trồng rau mầu. Đến vụ thu hoạch thì nghĩa quân thay nhau về gặt lúa. Số thóc đó được gửi trong dân bảo quản và xay giã giao cho nghĩa quân. Chính vì ông chỉ huy việc đốt sậy khai hoang, nên nghĩa quân gọi ông là Lãnh Sậy, quân Pháp cũng gọi theo như vậy.
Lãnh Sậy còn đảm nhiệm việc cung cấp vũ khí cho nghĩa quân. Lãnh Sậy không những chỉ tổ chức sản xuất súng ở hai làng Hoàng Vân mà sản xuất ở nhiều làng khác như Tân Dân, Ông Đình, Phù Sa, Ngọc Nha, Dạ Trạch cung cấp vũ khí cho nghĩa quân.
Có thời kỳ Lãnh Sậy đóng đại bản doanh ở đền An Lạc.
Ông chỉ huy nhiều trận đánh, trong trận đánh ở xã Đức Nhuận gần đền Dạ Trạch, Piglowski viết: “Trong trận đánh ở Đức Nhuận, nghĩa quân mặc quần áo như nông dân, quân Pháp chỉ nhận ra Lãnh Sậy chỉ huy trận đánh vì ông chít khăn xanh, thắt lưng đỏ”.
Từ cuối năm 1884 đến giữa năm 1885 lực lượng nghĩa quân Đổng Quế ngày càng mạnh. Tháng 11/1884, quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải tấn công căn cứ Bãi Sậy. Lãnh Sậy dẫn quân vượt sông Hồng đánh sang các huyện Thường Tín, Thanh Trì tỉnh Hà Đông khiến quân Pháp đang đánh phá Bãi Sậy phải vội vã rút quân về bảo vệ phía Nam thành phố Hà Nội.
Lãnh Sậy còn cùng các tướng tấn công các đồn Ứng Lôi, Bình Phú, Lực Điền gây cho chúng thiệt hại về người, vũ khí và nỗi kinh hoàng không dám đi càn quét các vùng chung quanh.
Giữa tháng 8/1885 (tháng 7 năm Ất Dậu) Đinh Gia Quế cùng Lãnh Sậy đem quân vượt sông Hồng đánh đuổi Hoàng Cao Khải, Cao Khải thua bỏ chạy theo đường đê về Hà Nội. Hai ông dẫn quân đuổi đến tận làng Thanh Trì (giáp cảng Phà Đen, Hà Nội) thì có kẻ đưa Hoàng Cao Khải đi giấu nên hắn thoát chết. Hai ông dẫn quân trở về đến bến đò Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) thì bị quân Pháp phục kích. Nghĩa quân bị thiệt hại nặng nề, tan vỡ. Đổng Quế phải trốn lên một làng gần bến đò Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Quân Pháp bắt được Lãnh Sậy, chặt đầu ở gốc gạo đền Lộ, đem đầu về Hà Nội rồi đưa về Hưng Yên bêu, còn xác vùi ở gốc gạo trước cửa đền Lộ.
Sau này con cháu Lãnh Sậy xây một ngôi miêu tưởng niệm dưới gốc gạo đền Lộ và cúng giỗ vào ngày 17 tháng 7 âm lịch là ngày ông đi đánh trận này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.