284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

LÊ CÔNG CHÁNH



Lê Công Chánh tức Nguyễn Ngọc Ân, Lê Công Sơn, Võ Văn Thung, Nguyễn Văn Hải sinh năm 1842. Ông quê ở tổng Phú Vĩnh, tỉnh Phú Yên. Ông học trường võ tại Bình Định, đỗ cử nhân võ. Sau ông ra Hà Nội dự thi võ trúng tiến sĩ, được phong chức Lãnh binh.

Năm 1885 Lê Công Chánh giữ chức Phó tổng binh thành Hà Nội. Khi vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương thì ông về Bình Định tham gia cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng. Mai Xuân Thưởng phong ông chức Tổng đốc, cử ông vào Nam Kỳ vận động nhân dân chống Pháp.

Lê Công Chánh vào Nam cùng Nguyễn Xuân Phong, Nguyễn Bá Trọng, Lê Bá Đạt lập căn cứ ở vùng Thất Sơn (Bảy Núi), An Giang phát động nhân dân khởi nghĩa. Lê Công Chánh về Mỹ Tho với tên giả là Võ Văn Thung thì bị bắt. Bọn Pháp bắt kết án ông 2 năm tù, đày ra Côn Đảo rồi lại chuyển về đày ở nhà lao Phú Quốc. Đầu năm 1889 Lê Công Chánh cùng bảy người vượt ngục Phú Quốc, bị bão dạt vào rạch Cả Hường, Cần Vọt của Campuchia.

Tháng 3/1893 ông trở về núi Thất Sơn ở An Giang rồi xuống Mỹ Tho theo đường biển trở ra Bình Thuận vào tháng 8/1893. Cuối tháng 9/1893, Lê Công Chánh cùng Nguyễn Đăng Giai vào gặp Lê Văn Lễ khi đó đã 60 tuổi ngụ tại An Lộc, Bình Tri thuộc Gia Định, năm 1861 đã từng tham gia khởi nghĩa Trương Định. Sau đó Lê Công Chánh lại gặp Trần Xuân Sanh, tên chính là Đỗ Văn Thống, 57 tuổi, người làng Bình Qươn, tổng Hoà Hảo, hạt Mỹ Tho, trú quán ở Tân Thuận Đông, năm 1875 đã tham gia khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân giữ chức Thống quân. Khi Thủ khoa Huân bị bắt, ông trốn ở làng Tân Thuận Đông. Các thủ lĩnh họp bàn, cử ra bộ chỉ huv cuộc vân động gồm: Nguyễn Đăng Giai, Chưởng lãnh Lưỡng Kỳ; Nguvễn Văn Lễ; Nam Kỳ tổng thống Trần Văn Sanh; Nam Kỳ hiệp thống Lê Công Chánh; Nam Kỳ Hiệp biện quân; Phan Thanh Thuần giữ chức thương biện, sau phong Hộ đốc, Nguyễn Văn Mỹ giữ chức Tham mưu.

Công việc vận động đang tiến hành thì đầu năm 1894 bị giặc Pháp phát hiện và đàn áp. Hầu hết các yếu nhân trong tổ chức Lê Công Chánh đều bị bắt.

Lê Công Chánh biết rằng bọn thực dân Pháp đã biết rõ lai lịch của mình, khó thoát nên ông đã nhận hết trách nhiệm về mình. Cũng nhờ lời tuyên bố khảng khái nhận hết trách nhiệm về mình, nên giặc Pháp không có cớ khủng bố rộng rãi, số người tham gia vào kế hoạch nổi dậy, kể cả những người ở trong ban lãnh đạo cũng chỉ bị chúng kết án đi đầy, chỉ một mình ông bị chúng xử chém.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.