284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGÔ QUANG CHƯỚC



   Ngô Quang Chước là em trai Tán tương quân vụ Ngô Quang Huy, quê ở xã An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ông đỗ cử nhân khoa Đinh Mão, Tự Đức thứ 20 (1867) tại trường thi Hà Nội. Ông được bổ làm Huấn đạo huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông. 

   Năm 1883 khi triều đình Huế ký Hoà ước với quân Pháp, tổng đốc Hải – Yên Nguyễn Thiện Thuật bỏ quan về Đông Triều mộ quân đánh Pháp. Noi gương anh trai, ông cũng bỏ quan, cùng anh chiêu mộ được hơn 100 quân về Đông Triều gia nhập đội quân đánh Pháp của Nguyễn Thiện Thuật. Ngô Quang Chước cùng với anh trai và Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hoè… thành lập “Tam tỉnh nghĩa quân”. Đội quân này có tới trên 5000 người, có nhiều tướng giỏi như Đội Văn, Lãnh Mỹ đã đánh thắng quân Pháp nhiều trận ở các huyện Lang Tài, Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong (Bắc Ninh), Phượng Nhỡn (Bắc Giang). Nhưng sau quân Pháp tập trung quân đánh, nghĩa quân tan rã. Ông cùng với anh trở về quê chờ cơ hội đánh Pháp. 

   Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật ở Long Châu (Trung Quốc) trở về lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy. Nguyễn Thiện Thuật mời Ngô Quang Huy, Nguyễn Hữu Đức bàn việc phát triển cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy trở thành một phong trào rộng lớn. Nguyễn Thiện Thuật giao cho Ngô Quang Huy phụ trách phong trào đánh Pháp ở Nam Bắc Ninh, Bắc Hải Dương, Bắc Hưng Yên. Ngô Quang Chước đã cùng các ông Lãnh Dâu, Lãnh Dong ở xã An Lộc, Điển Lộc ở xã Nghĩa Trai, Hiệp Hanh ở xã Đại Từ, Lãnh Mỹ ở xã Xuân Cầu, Tổng Nghĩa ở Ngọc Quỳnh đắp đê, trồng tre gai dọc sông Nghĩa Trụ từ Ngọc Kinh qua xã Tuấn Dỵ, Vĩnh Bảo, đến các xã Đông Khúc, Vĩnh Khúc, Tráng Vũ, Kênh Cầu dài gần 20 cây số làm phòng tuyến chống Pháp, giao cho các tướng lập đồn binh phòng thủ. Ông còn cho đắp nhiều gò, đống, đào nhiều mương máng ở hai bên đường số 5 từ Như Quỳnh đến Bần Yên Nhân làm trận địa phục kích. Ngô Quang Chước cùng các tướng xây dựng các làng chiến đấu như Đại Từ (Văn Lâm), Đông Khúc, Khúc Lộng, Xuân Quan (Văn Giang). Ông cũng tham gia nhiều trận đánh ở các đồn Bần Yên Nhân, Đống Mối, Cầu Ghênh, Phú Thị… 

   Ngày 12 tháng 11 năm 1888, ông cùng anh trai là Ngô Quang Huy đưa hơn 200 quân về tham gia trận phục kích lớn ở cánh đồng Liêu Trung. Trận này nghĩa quân đại thắng.

   Tháng 3 năm 1889, quân Pháp do Giám binh Blan chard, Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải đưa đoàn bình định, quân các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có pháo binh yểm trợ bao vây tấn công ráo riết vào các căn cứ của hai ông ở Nam Bắc Ninh. Dưới sự chỉ huy của anh trai, ông cùng các tướng như Đội Văn, Đốc Sung, Lãnh Mỹ chiến đấu quyết liệt. Song quân Pháp được tăng viện, kéo thêm đại bác, bắn phá các làng chiến đấu, giết hại nhiều nghĩa quân và nhân dân, đốt trụi hàng chục làng. Cùng đường Ngô Quang Chước cùng mười nghĩa quân thân tín hộ vệ anh trai chạy lên Phủ Lạng Thương. Bị vây hãm, biết không còn đường thoát, Ngô Quang Huy tự tử để bảo toàn danh tiết. Hôm đó là ngày mùng 1 tháng 4 năm Kỷ Sửu (khoảng ngày 1 tháng 5 năm 1889). Ngô Quang Chước cùng nghĩa quân chôn cất anh, san bằng, đánh dấu rồi cùng mấy nghĩa quân lên mạn ngược ẩn náu. Không bắt được Ngô Quang Huy, Ngô Quang Chước, quân Pháp kéo quân về tàn phá làng An Lạc. 

Mãi đến năm 1905, Ngô Quang Chước và một số con cháu mới trở về An Lạc, xây dựng lại nhà cửa trên đống tro tàn, gạch vụn. Ngô Quang Chước mở trường dạy học, học trò đến học rất đông, nhiều người đỗ đạt cao. Khi Ngô Quang Chước mất, con cháu và môn sinh quàn để tế lễ rồi mới đem chôn. Ngô Quang Chước cùng anh trai được thờ ở nhà thờ họ Ngô Quang ở làng An Lạc, nhà thờ chữa lại năm 1934 đến nay vẫn còn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.