284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
NGUYỄN ĐỨC ỨNG
Ngày 24 tháng 2 năm 1861, tại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Duy tử trận, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương phải rút về Biên Hòa dựng đồn lũy chống giặc.
Để ngăn chặn quân Pháp đánh chiếm toàn tỉnh Biên Hòa, Triều đình Huế cử Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng vào Biên Hòa chỉ huy, xây dựng tuyến phòng ngự Bá Ký, sông Kỳ Giang, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng đã thu nạp tàn quân sau trận đại đồn Chí Hòa, chiêu mộ nghĩa quân người địa phương, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp từ Biên Hòa xuống.
Ngày 13 tháng 12 năm 1861, tướng Bonard ký huấn lệnh đánh chiếm Biên Hòa do đích thân tướng Bonard cùng các đại tá Foucault, đại tá Domenech Diego, thiếu tá Lecbris chỉ huy với 1000 quân Pháp, Tây Ban Nha và 2 chiến hạm. Ngày 15 tháng 12 năm 1861, quân Pháp tấn công tỉnh Biên Hòa. Quân triều đình ở đồn Mỹ Hòa rút chạy. Khi chúng tới phá cản đá ở sông Đồng Nai, quân triều đình và nghĩa quân chống trả quyết liệt, bắn trúng 54 phát thần công vào tàu Alarne, nhưng đạn công phá kém, chỉ làm gẫy cột buồm. Quân Pháp phá được cản. Ngày 18 tháng 12 năm 1861, quân Pháp chiếm được tỉnh thành Biên Hòa. Quân Pháp đánh chiếm các pháo đài ven sông một cách dễ dàng.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 26 tháng 12 năm 1861, đại tá Domenech Diego chỉ huy một cánh quân đánh chiếm huyện lỵ Long Thành. Khi chúng tới gần ngã ba Nha Mát, ấp Bà Ký thì bị Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng chỉ huy quân triều đình và nghĩa quân đánh trả quyết liệt, quân ta chỉ có súng trường khai hậu, bắn phát một và giáo mác, song đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đánh bật nhiều đợt xung phong của giặc Pháp, giết và làm bị thương nhiều tên. Cuộc chiến đấu kéo dài đến tận 14 giờ, quân ta bị tổn thất nhưng vẫn giữ vững trận địa. Quân Pháp đã phải rút về phía sau củng cố đội hình. Đúng lúc đó thì đại tá Lepperut đã vượt sông Đồng Nai đến tiếp viện cho đại tá Diégo. Cuộc chiến đấu giữa quân ta và quân Pháp trở nên gay go quyết liệt. Nguyễn Đức Ứng bị trọng thương và hy sinh vào ngày 26 tháng 12 năm 1861.
Quân sĩ và nghĩa quân vẫn tiếp tục chiến đấu, cho tới khi quân Pháp hoàn toàn chiếm được Long Thành.
Mặc dù bị giặc Pháp ngăn cấm, nhân dân vẫn đấu tranh, an táng lãnh binh Nguyễn Đức Ứng cùng 27 quân triều đình và nghĩa quân trong một ngôi mộ chung.
Nhớ ơn những người đã dũng cảm hy sinh vì nước, nhân dân từ đời nọ đến đời kia vẫn chăm sóc, hương khói của ngôi mộ chung của 28 liệt sĩ.
Ngày 15 tháng 10 năm 1994, Nhà nước đã xếp hạng Di tích lịch sử ngôi mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh huyện Long Thành.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.