284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN HIỆT CHI



Nguyễn Hiệt Chi còn có tên là Nguyễn Đức Thuận, hiệu Mông Thượng, sinh năm 1870, là anh trai Nguyễn Hàng Chi. Ông quê ở làng Đông Thượng, xã Ích Hậu, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông học giỏi, đỗ đầu ở trường thi Nghệ An và đỗ tú tài trường thi Bìrih Định, nên thường gọi là Xứ Thuận. Khi thi Hương, ông cố tình để hỏng nhiều lần để được thi lại, ông có cơ hội làm bài thuê để kiếm tiền. Năm 1906 ông lại đi thi, quan trường cho ông đỗ tú tài cuối bảng.

Ông cùng em trai là Nguyễn Hàng Chi vào Phan Thiết. Ông được bổ làm ký học ở Phú Yên, sau được bổ vào ngạch giáo dục dạy chữ Hán tại trường Pháp – Việt Phan Thiết. Ông cùng em trai là Nguyễn Hằng Chi đều là những hội viên tích cực của hội Duy tân. Ông thuộc phái Minh xã, còn Nguyễn Hàng Chi ở trong phái Ám xã theo xu hướng bạo động. 

Năm 1908 Nguyễn Hàng Chi chịu ảnh hưởng của phong trào xin xâu, chống thuế ở Quảng Nam, trở về Hà Tĩnh phát động phong trào chống thuế. Cuộc chống thuế ở Hà Tĩnh diễn ra quyết liệt, Nguyễn Hàng Chi cùng với đồng chí là Trịnh Khắc Lập bị nhà cầm quyền Pháp giết hại. Nguyễn Hiệt Chi cũng bị Pháp bắt hai lần, giam cầm trong 6 tháng, song không có chứng cớ chúng đành phải tha. Ông cùng với Nguyễn Trọng Hợi, Nguyễn Quý Anh, Hồ Tá Bang lập Thương quán là công ty Liên Thành, Nguyễn Hiệt Chi là nhân vật chủ chốt của công ty. Tiếng là công ty thương nghiệp nhưng do nhiều nhà trí thức tiến bộ sáng lập, nên công ty đã thành lập trường Tư thục Dục Thanh. Nguyễn Hiệt Chi là giáo viên ở trường Dục Thanh. Ông còn là người hiểu biết các sách Tân thư do các nhà cách mạng Trung Quốc như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Dật Tiên viết và dịch của các học giả phương Tây như Mông pát kiơ, Rút xô, Vích to Huy gô, nên ông được công ty giao cho phụ trách một thư xã có rất nhiều sách Tân thư.

Khi ở Phan Thiết, Nguyễn Hiệt Chi giúp đỡ tận tình cho nhiều người ở Nghệ Tĩnh vào Phan Thiết và về tiền bạc, lương thực, nơi trú chân và tinh thần. Nguyễn Hiệt Chi giảng dạy ở trường Dục Thanh 12 năm, dạy ở trường Quốc học Huế 2 năm, sau đó ông trở về Nghệ An dạy ở trường tiểu học Cao Xuân Dục và Nguyễn Trường Tộ ở thành phố Vinh.

Nguyễn Hiệt Chi còn là nhà biên soạn sách trong khi dạy ở trường Quốc học Huế, ông đã soạn sách Mẹo tiếng Nam, soạn Hán – Việt từ điển (với Đoàn Danh Từ), Hán văn Tân giáo khoa thư soạn với Lê Thước, Sách dạy tiếng Nam, mẹo chữ Pháp. Ông cũng làm thơ, chủ yếu là thơ trào phúng, là cộng tác viên với báo Nữ giới chungcủa bà Sương Nguyệt Anh.

Năm 1933, Nguyễn Hiệt Chi về hưu, được hai năm thì mất (1935), thọ 65 tuổi.

Trong suốt 38 năm đứng trên bục giảng, Nguyễn Hiệt Chi đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước và soạn nhiều sách về giáo dục, đặc biệt là Từ điển.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.