284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

PHẠM CHÁNH – PHẠM LUÂN – NGUYỄN SUM



Đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật, Trần Xuân Soạn chỉ huy Phấn nghĩa quân tấn công toà Khâm sứ Pháp, đồn Mang Cá, khu nhượng địa. Việc không thành, sáng 5/7 quân Pháp phản công, Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương. Các tướng lĩnh, sĩ phu, những người yêu nước khắp các tỉnh Trung Kỳ, Bắc Kỳ sôi nổi hưởng ứng. 

Tại tỉnh Khánh Hoà có Trịnh Phong, Trần Dương, Phạm Chánh cùng con trai là Phạm Luân và Nguyễn Sum cùng nhiều người khác hưởng ứng. Phạm Chánh cùng con trai là Phạm Luân và Nguyễn Sum đều quê tại làng Hội Khánh huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Ba người đã hăng hái hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, đứng ra chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp. Đông đảo trai tráng trong huyện Vạn Ninh đã tới làng Hội Khánh nơi đặt đại bản doanh cuộc khởi nghĩa tòng quân. Nhiều người còn đem theo cả vũ khí, lương thực đến. Phạm Chánh giao cho con trai là Phạm Luân biên chế nghĩa quân thành cơ đội, huấn luyện các thao tác chiến đấu, cách sử dụng vũ khí. Nguyễn Sum lo công tác hậu cần chủ yếu là mua sắm quyên góp vũ khí quân lương. 

Nhận được tin Phạm Chánh cùng với Phạm Luân, Nguyễn Sum khởi nghĩa, Thượng thư bộ Binh Tôn Thất Thuyết cử phái viên giao cho ba người cai quản nghĩa quân hạt Vạn Ninh. Nhận thấy địa hình ở Hội Khánh trống trải, các ông xây dựng căn cứ và thành lập kho lương tại Đồng Đồn trên núi Ninh Phước. Phạm Chánh cùng Phạm Luân và Nguyễn Sum chỉ có tấm lòng căm thù giặc, yêu nước thiết tha, không có kiến thức về quân sự, lại không có tham mưu giỏi. Công tác tuyển quân cũng ồ ạt, theo lối “đánh trống ghi tên” không lựa chọn, nên có những kẻ cơ hội, cả bọn lưu manh lọt vào hàng ngũ. Quân Pháp nghe tin đánh bất ngờ vào ban đêm, các ông không đề phòng nên bị thất bại, nghĩa quân mạnh ai nấy chạy, kho lương bị đốt cháy.

Sau trận tập kích của quân Pháp, các ông tụ tập tàn quân chờ ngày khởi sự. Nhận được tin quân Pháp đóng ở thôn Hiền Lương, Phạm Chánh cùng Phạm Luân, Nguyễn Sum đem quân đến đánh báo thù. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, nhưng ba ông lại bị thua, quân số còn rất ít. Lẽ ra các ông nên rút vào nơi an toàn bổ sung lực lượng, trang bị thêm vũ khí, chờ cơ hội diệt địch thì các ông lại đưa số quân ít ỏi, trang bị kém xa quân Pháp, đánh trận thứ ba ở núi Quán Chùa. Kết quả là trận này các ông lại bị thua. Đánh ba trận thua cả ba, nghĩa quân chán nản bỏ đi. Khi hai cha con Phạm Chánh rút về căn cứ trên núi không thấy Nguyễn Sum, hai cha con ông xuống núi trở lại trận địa tìm kiếm thì thấy Nguyễn Sum bèn đưa về căn cứ chữa vết thương. Quân sĩ lúc này bỏ đi hết chỉ còn lại hai cha con Phạm Chánh và Nguyễn Sum.

Ba ông rút về núi Tu Bông, hết lương thực, bị quân Pháp bao vây chặt, không có người tiếp tế, Phạm Chánh về làng tìm lương thực, bị tay sai của giặc Pháp bắt nộp cho Đốc phủ. Khi dựng cờ khởi nghĩa ba người đã thề sống chết có nhau nên Phạm Luân và Nguyễn Sum tự ra cho giặc bắt để cùng được chết. Giặc Pháp và bọn tay sai dụ dỗ các ông đầu hàng, các ông không theo. Chúng tra tấn cực kỳ dã man cũng không khuất phục được các ông.

Chúng đưa các ông về làng Hội Khánh xử bắn tại Gò Đồn. Bắn xong, chúng chặt đầu ba người. Đầu cha con ông Phạm Chánh bêu tại Tu Bông, thân mình bêu tại Vạn Dã, đầu ông Nguyễn Sum bêu tại Vạn Dã, thân mình bêu tại Gò Bí (Tu Bông). Ai đi qua cũng vô cùng thương cảm, mãi ba ngày sau chúng mới cho gia đình chôn cất.

Mộ Phạm Chánh, Phạm Luân, Nguyễn Sum nay vẫn còn ở thôn Hội Khánh, huyện Vạn Ninh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.