284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

TÁN KẾ



Tán Kế tên thật là Lê Quang Quan, chưa rõ năm sinh. Quê gốc ở tỉnh Bình Định, đến đời ông nội vào lập nghiệp tại làng Mỹ Chánh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Ngày 26/5/1862, Tự Đức cử phái đoàn của triều đình do Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Lâm Duy Hiệp làm phó sứ vào Sài Gòn để cùng Bằng ký hiệp ước. Ngày 5/6/1862 Phan Thanh Giản ký với Bôna “Hiệp ước hòa bình và hữu nghị” với Pháp và Tây Ban Nha.

Lê Quang Quan bất mãn bỏ ngũ về Mỹ Chánh tập hợp trai tráng trong vùng, chia thành đội ngũ, luyện tập võ nghệ cho anh em. Ông chiêu tập thợ rèn các nơi về chế tạo vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa.

Tháng 6 năm 1867, giặc Pháp đánh ba tỉnh miền Tây, trong đó có Bến Tre (khi đó thuộc Vĩnh Long) Lê Quang Quan yết bảng chiêu mộ quân, phát động khởi nghĩa chống Pháp tại vùng Ba Châu (Châu Phú, Châu Thới, Châu Bình). Để có danh nghĩa chỉ huy, ông tự xưng là Tán tương quân vụ, lấy mật danh là Kế vì vậy nghĩa quân và nhân dân gọi ông là Tán Kế.

Nghĩa quân do Tán Kế lãnh đạo dựa vào địa thế hiểm trở (khi đó phần lớn đất đai là rừng rậm), thực hiện lối đánh tập kích, phục kích gây cho quân Pháp tổn thất nặng nề.

Trước tình thế bị giặc bao vây truy quét, đạn dược thiếu, lương thực cũng rất khó khăn, Tán Kế giải tán lực lượng, chỉ giữ lại số người thân cận, khỏe mạnh, có tinh thần chiến đấu cao rút vào vùng lau sậy, chà là, tránh những trận tấn công ồ ạt của giặc chờ cơ hội phát triển lực lượng, tiếp tục cuộc chiến đấu. Không ngờ một tên phản bội báo cho quân Pháp biết nơi Tán Kế ẩn náu. Lập tức bọn Pháp điều động hàng trăm quân bao vây, lùng sục. Tán Kế chỉ huy số nghĩa quân ít ỏi đánh trả bọn Pháp kịch liệt, giết một số tên. Cuối cùng ông và một số nghĩa quân bị chúng bắt được.

Sau khi tra tấn ông bằng đủ cực hình, không moi ở ông được điều gì, chúng chém ông ngày 11 tháng giêng năm Kỷ Tỵ (tức ngày 21/2/1869) bêu đầu ở Tân Thới ba ngày để uy hiếp dân chúng. Trong dân gian ở vùng này còn lưu truyền giai thoại, đầu ông Tán Kế để trong giỏ tre, hai mắt vẫn mở trừng trừng. Nhân dân Ba Châu an táng ông tại làng Mỹ Chánh, nhân dân trong tỉnh nhiều nơi lập miếu thờ ông. Đền chính được xây tại xã Mỹ Chánh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.