284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

VUA HÀM NGHI



   Ưng Lịch sinh ngày 16 tháng 6 năm Tân Mùi (3/8/1871) là con thứ 5 Hồng Cai, là em Ưng Đăng. Ngày 2/8/1884, triều đình tổ chức lễ đăng quang cho Ưng Lịch lên ngôi vua, hiệu là Hàm Nghi.

   Ngày 1/7/1885, De Courcy từ Hải Phòng vào Huế gây hấn. Trước tình thế không thể nhân nhượng được nữa, đêm 4/7/1885 Tôn Thất Thuyết cùng các tướng phe chủ chiến tấn công đồn Mang Cá, khu nhượng địa, toà Khâm sứ của thực dân Pháp. Sáng ngày 5/7/1885, quân Pháp phản công, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật cùng các quan hộ giá nhà vua và Tam cung rút ra khỏi kinh thành.

   Sáng ngày 9 tháng 7, nhà vua rời thành Quảng Trị để đi Tân Sở. Ở Tân Sở, vua Hàm Nghi có ý định muốn về Huế, Tôn Thất Thuyết giải thích. Hai ngày sau, Tôn Thất Thuyết xin nhà vua phê chuẩn vào chiếu kể tội giặc Pháp, kêu gọi nhân dân nổi dậy Cần vương. Vua Hàm Nghi đọc kỹ tới hai lần rồi nói: “Bây giờ trẫm hiểu vì sao khanh không muốn trẫm về Huế còn bị giặc Pháp chiếm đóng”.

   Ngày 26/7/1885, vua Hàm Nghi phong Phạm Thận Duật làm Bắc Kỳ Khâm sai đại thần ra Bắc Kỳ trước, tổ chức phong trào Cần vương để đón vua.

   Tháng 10/1885 vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết về đóng ở nha sơn phòng Hà Tĩnh.

   Tại Huế, ngày 11 tháng 8 năm Ất Dậu (19/9/1885), thực dân Pháp đưa Ưng Đường (sau đổi là Ưng Kỷ) là con trưởng của Hồng Cai lên làm vua gọi là Đồng Khánh. Đồng Khánh là tên vua bù nhìn tôi tớ cho thực dân Pháp, vừa lên ngôi, hắn đã viết thư cho Tổng thống Pháp: “…Cái ân giúp cho ấy, không biết lấy gì báo đáp, nước tôi xin nhận quý quốc là thượng quốc và xin tuyên bố quý Đô thống đại thần Đơ suy (De Courcy) làm Bảo hộ vương, Khâm sứ Săm pô đại thần làm Bảo hộ công…”

   Tháng 9 năm Ất Dậu (1885), Đồng Khánh ra lệnh tịch thu gia sản của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn. Nếu bắt được Thuyết và Soạn thì xử chém ngay. Đối với vua Hàm Nghi, Đồng Khánh cũng ra đạo dụ và cáo thị ca ngợi công lao của thực dân Pháp; lên án Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết.

   Trong khi Đồng Khánh “bắt” vua Hàm Nghi, đại thần Tôn Thất Thuyết và triều đình Hàm Nghi bằng các đạo dụ, cáo thị thì ngày 22/11/1885 quân Pháp điều một lực lượng lớn quân lính, đặt dưới quyền chỉ huy của trung tá Minhô (Mignot) xuất phát từ Ninh Bình tiến vào phía Nam. Song chúng cũng bị lực lượng nghĩa quân trừng trị thích đáng.

   Mùa xuân năm 1887, quân Pháp hành quân gặp khó khăn, vua Hàm Nghi, Tôn Thất Tiệp quyết định chia quân nhỏ tiến về đồng bằng giải phóng những vùng đã mất. Nhưng lực lượng yếu, không giữ được.

   Trước những khó khăn đó lẽ ra vua Hàm Nghi ra vùng Thanh – Nghệ nơi có phong trào mạnh thì được an toàn.

   10 giờ đêm ngày 30 tháng 10 rạng sáng ngày 11/1/1888, kẻ địch dò biết đích xác vua Hàm Nghi ở trong cái lều tranh trên bờ khe Tá Bào, các tên Trương Quang Ngọc, Nguyễn Đình Tình dẫn đường cho khoảng 200 tên Pháp đi xuyên rừng tới nơi vua ở. Chúng bắt vua đưa xuống thuyền về Thuận Bài. Bọn giặc Pháp đi lùng sục chém chết hết các quan, nghĩa quân, người phu dịch tại chỗ.

   Được tin vua Hàm Nghi tới Thuận Bài, các quan ở địa phương đến bái hạ, nhà vua giả làm như không nhận ai cả. Khi có ông Nguyễn Thuận là thày cũ của mình, vua Hàm Nghi vái chào ngay một cách tự phát. Từ đó giặc Pháp biết đích xác là nhà vua. Chúng đưa vua Hàm Nghi về Cửa Thuận.

   Tuy vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt, nhưng lực lượng kháng chiến vẫn sử dụng niên hiệu, danh nghĩa của vua Hàm Nghi trong các công văn, cáo thị, phong thưởng tướng sĩ. Vì vậy tháng 11/1888, Đồng Khánh ra dụ cấm từ nay không được dùng hai chữ Hàm Nghi, khi cần chỉ cần gọi là Quận công Lịch; cấm không được ai lợi dụng danh nghĩa của vua Hàm Nghi để mưu việc chống lại triều đình. Các tỉnh phải sao dụ này để yết thị khắp nơi, kèm theo chân dung của vua Hàm Nghi.

   Từ cửa Thuận An thực dân Pháp đưa vua Hàm Nghi đi đầy tại một ngôi nhà trên ngọn đồi ở làng ElBiar, cách thủ đô Alger 12 km, nước Angêri.

   Ngày 24 tháng 12/1943, nhà vua qua đời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.