284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN TƯ GIẢN



Nguyễn Tư Giản trước tên là Nguyễn Văn Phú, tự Tuân Thúc, hiệu Vân Lộc và Thạch Nông, sinh năm Nhâm Ngọ (1822). Ông người xã Du Lâm, tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay Mai Lâm thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Nguyễn Tư Giản thông minh từ nhỏ. Năm Quý Mão (1843), ông 22 tuổi, đỗ Hương cống, năm Giáp Thìn (1844), ông đỗ Hoàng giáp khi 23 tuổi.

Ban đầu ông giữ chức Tu soạn ở Hàn lâm viện sau bổ làm Tri phủ Ninh Thuận. Năm Mậu Thân (1848), Tự Đức nguyên niên, ông được bổ Cấp sự trung, ít lâu sau được bổ làm Thị độc ở viện Tập Hiền rồi sung làm Kinh diên Khởi cư chú. Ông được thăng Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ sung vào Nội các. Năm 1857, sau khi làm bản Điều trần trị thủy, ông được Tự Đức bổ làm Biện lý rồi Hiệp hiệu Đê chính Bắc Kỳ.

Năm 1858 và 1859 quân Pháp tấn công bán đảo Sơn Trà và Gia Định, triều đình chia làm hai phái chủ hòa và chủ chiến. Ông đứng về phái chủ chiến.

Ngày 8/5/1859, quân Pháp tấn công các phòng tuyến trên sông Hương, quân triều đình tan vỡ phải rút vào phòng tuyến thứ 2. Tháng 7/1859, ông đang làm quan Đê chính đã dâng sớ nói không hòa với Tây dương. Sớ đề là “Sớ Đánh Tây”. Song không được Tự Đức và Viện Cơ mật chấp nhận. 

Năm 1861, Tự Đức thứ 14, nhân ông xin phép về thăm cha mẹ, tế tổ tiên. Vua dụ ông nhân đó lo xem xét tìm phương cách trị thủy ở riêng Nhị Hà. Quan Đê Chính Nguyễn Tư Giản sau khi đi khám xét đê ở Bắc Kỳ, chủ yếu là đê sông Hồng, ông đã làm một số việc như sau: xây cửa cống, đắp sửa đê… Ông kiến nghị nhiều lần không được. Tháng 2 năm 1862 , Tự Đức ra lệnh bãi bỏ nha Đê chính, chuyển giao công việc trông nom, sửa đê cho quan sở tại. Nguyễn Tư Giản được phong Thị lang bộ Lại.

Cũng năm Nhâm Tuất (1862), Tự Đức 15, thổ phỉ hoành hành ở vùng Đông bắc, ông được giao làm Tham biện, lo việc quân ở Hải – Yên. Có trận ông đánh bại giặc, nhưng để giặc lan tràn không dẹp yên, ông bị cách chức rồi cáo bệnh xin về quê.

Năm Ất Sửu (1865), Tự Đức 18, ông được khởi phục Hàn Lâm viện tu soạn rồi thăng Thị độc tại Tập biên viện, sau đổi qua Hồng lô Tự khanh, làm việc tại bộ Hộ.

Năm Mậu Thìn (1868), Tự Đức thứ 21 ông được thăng Hồng lô Tự khanh ở Quang Lộc tự, lại giữ chức Tả thị lang bộ Lại, sung làm việc ở Nội các. Năm Nhâm Thìn (1872), Tự Đức 25, ông được bổ làm Tham tri, nhưng lĩnh việc của Thượng thư bộ Lại, sung làm phó Tổng tài quốc sử quán, kiêm trông coi Quốc tử giám. Năm sau thăng Thượng thư, sung làm đại thần viện cơ mật.

Mùa đông năm 1872 , đề phòng quân Pháp đánh Bắc Kỳ, ông cùng Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ ngày đêm bàn tính việc cơ mật. Sau đó ông bị giáng chức, phải đi sơn phòng ở Chương Đức khai khẩn đất hoang. Năm Mậu Dần (1878), Tự Đức 31 khôi phục chức Hàn lâm viện Thị độc sung cai quản Hàn lâm viện cho ông.

Hậu quả của việc Tự Đức bãi bỏ chức quan Đê chính trong nhiều năm, đê không được tu sửa, xây cửa cống, cửa cống, cửa sông không được nạo vét. Vì vậy, năm 1862 mưa liên tục, nước không tiêu làm hỏng vụ chiêm. Năm 1865 đê ở các  tỉnh Bắc Kỳ, Trung Kỳ nhiều nơi bị vỡ. Năm 1871, vỡ đê Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn Tây, Hà Nội, Nam Định, dân chết đói nhiều vô kể. Năm 1872, đê Văn Giang vỡ 20 trượng. Các tỉnh thần đề xuất việc đắp đê, Tự Đức phán: “Hiện nay đương bận việc quân ở vùng biên giới, nên chưa bàn đến trị thủy”. Năm 1873 vỡ đê 5 huyện ở phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trong các năm 1874, 1875, 1876, 1877 năm nào đê Phi Liệt (Văn Giang, Bắc Ninh) cũng vỡ. Năm 1878, đê Phi Liệt, đê Ân Thi (Hưng Yên) vỡ. Trong các năm 1880, 1881, 1882 đê Phi Liệt vỡ. Năm 1885, các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ hạn hán nặng, các cửa cống lấy nước đều bị phù sa bồi lấp, không lấy được nước vào đồng. Năm 1889 đê sông Đuống (Bắc Ninh) vỡ… Nạn vỡ đê ngập lụt hạn hán, dịch bệnh tàn phá đồng ruộng, xóm làng khiến cư dân vô cùng điêu đứng.

Nguyễn Tư Giản làm quan từ khi còn trẻ, mãi gần 40 năm giữ những chức vụ trọng yếu. Mỗi khi triều đình cần bàn luận những vấn đề khó khăn đều cần có ông. Ông chẳng những là một trọng thần của triều Nguyễn, là nhà chính trị, ngoại giao, nhà trị thủy, nhà sử học, địa lý học, mà còn là nhà văn, nhà thơ xuất sắc. ông còn có nhiều tác phẩm có giá trị để lại đến nay là:

– Thạch nông chi văn
– Văn Diễm Du Lâm Nguyễn tộc hợp phả
– Yên Thiều Thi văn tập
– Thạch nông thi văn
– Như Thanh Nhật ký
– Tiểu thuyết sơn phòng tập
– Trung Châu Quỳnh Dao tập
– Tiểu thuyết sơn phòng cổ lục.

Nguyễn Tư Giản mất năm (1890) hưởng thọ 67 tuổi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.