284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

TRẦN TẤN



Trần Tấn quê ở Chi Nê nay là xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, là một sĩ phu kiên quyết kháng chiến rất bất bình với triều đình Huế cắt đất giảng hòa và bọn gián điệp Pháp đội lốt giáo sĩ mê hoặc dân đạo chống Tổ quốc, chống nhân dân. Vì vậy năm 1865, ông đã cùng học trò của mình là Đặng Như Mai, phó tổng Phan Điểm, Hoàng Đức Đề, Nguyễn Mỹ Nghi, Nguyễn Văn Vinh đã kịch liệt phản đối bọn gián điệp đội lốt cha cố, huy động người đốt phá nhà thờ, diệt trừ Việt gian (phần lớn là dân theo đạo).

Linh mục Chu lợi dụng các điều khoản của Hiệp ước Nhâm Tuất tố cáo với bộ Lễ. Tự Đức sợ uy thế giặc đã ra lệnh thu bằng biện đánh Trần Tấn 80 trượng, còn 7 người nữa đều bị đánh và phạt giam.

Tháng 8 năm 1868, Linh mục người Pháp tên Việt là Ngô Gia Hậu buộc Triều đình Huế phải xử lại. Tự Đức sợ Pháp quyết định xử chém nhưng đợi xét thêm, riêng Trần Tấn có mẹ ốm nên được tha.

Ngày 20/11/1873, Francis Garnier đánh chiếm Hà Nội và các tỉnh ở Bắc Kỳ, Trần Tấn cùng Đặng Như Mai đòi Tổng đốc Nghệ-Tĩnh là Tôn Thất Triệt phải họp văn thân trong tỉnh bàn chuyện đánh Tây. Hội nghị đã cử Trần Tấn, Đặng Như Mai đứng đầu tổ chức kháng chiến. Song ngày 15/3/1874, triều đình lại ký với Pháp “Hiệp ước hòa bình và liên minh” nhượng bộ Pháp nhiều quyền lợi.

Trần Tấn, Đặng Như Mai cùng các đồng chí đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, mọi người tôn Trần Tấn là chủ soái. Trần Tấn từ Huế về, đến xã Xuân Liễu, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, ông lại liên kết với học trò cùng chung chí hướng là Đặng Như Mai (còn gọi là Tú Mai), Đội Lưu, Lãnh Sỹ (tức Trần Hưng) cùng với Trần Quang Cán, Nguyễn Huy Điển (Tú Khanh) ở Hà Tĩnh, Trương Quang Thủ ở Quảng Bình đã đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Mọi người suy tôn Trần Tấn làm chủ soái. Trần Tấn còn sáng tác bài thơ kêu gọi quần chúng khởi nghĩa:

Trời cao thẳm, đất lâu dài,
Trăm năm nghĩ lại cuộc này mà đau
Tây dương phiến loạn vì đâu
Cho dân trăm họ âu sầu đòi phen
Đất Nam từ thuở Đinh Tiên
Trải Lê, Lý, Trần dõi truyền tới nay
Trăm năm nhân trạch sâu dày
Bể trong suốt đã rộn nơi ba đào
Thuyền Tây ngang nhẹ mái chèo,
Xa xa cửa Nẵng chiều chiều ngàn sông
Quấy tranh lục tỉnh miền trong
Nam, Hà, Ninh, Hải thành vàng súng tan
Sắt này dạ, đá này gan
Thương người trung nghĩa thác oan thế này
Thương ôi mấy vạn quan Triều
Sông trôi giọt máu, non rều đống xương
Ngán thay những kẻ lo lường
Lo lòng hộ tả yên lương cực mình.
Cân đai áo mão triều đình
Hòa Tây tin để bực mình lắm thay
Vì thẳng tả giận thằng Tây,
Tuốt gươm chém sạch, trận này mới nghe
Nghĩa binh nghĩa sĩ ta hè,
Đồng chung áo giáp tứ bề ruổi rong.
Đâu đâu ai cũng một lòng
Cờ bay là nghĩa, súng đùng là nhân
Một miền nhượng địch yên dân
Càn khôn dãi tỏ, quỷ, thần chứng tri,
Tuồng chi những đứa ngu si
Lo lòng nặng túi tưởng chi đạo người
Sao mà nghĩ chẳng tới nơi
Giở giăn rồi lại cân đai được nào.
Cuộc cờ tính nước thấp cao
Xuất xe nổi pháo ào ào tiên lên.
Làm trai có chí thì nên
Khắp trong non biển rõ tên anh hùng.

(Thơ văn nửa sau thế kỷ XIX).

Nghĩa quân lôi kéo được nhiều sĩ phu, quan lại tham gia. Nghĩa quân đóng đại bản doanh ở xóm Liễu, cắm cờ trên đỉnh rú Anh (một trong năm ngọn núi chạy qua xã Xuân Liễu) Trần Tấn đánh chiêng trống mộ quân, chỉ trong 10 ngày đã được trên 15.000 người. Ông chia quân làm 5 đội, mỗi đội làm 5 cơ. Ông đưa một bộ phận nghĩa quân sang đóng ở Thanh Thủy, huyện Nam Đàn.

Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào tháng 2 năm 1874, lên tới đỉnh cao vào giữa tháng 5/1874. Khẩu lệnh “Bình Tây sát tả”được gương cao khẩu hiệu đề ra nhanh chóng đánh đuổi giặc Pháp cùng với Thiên chúa giáo đồng lõa với Pháp xâm lược Việt Nam, là kẻ nội gián, tiếp tay cho giặc Pháp xâm lược nước ta. Khẩu hiệu thứ hai cũng được gương cao là: “Đánh cả triều lẫn Tây”.

Ngày 31/5/1874, quân khởi nghĩa chiêm đóng lị sở Hà Tĩnh. Vài ngày sau nhiều huyện ở Nghệ An lọt vào tay nghĩa quân. Cuối tháng 5 nghĩa quân chiêm thành Nghệ An. Một bộ phận quân khởi nghĩa do một thủ lĩnh vượt đèo Ngang chiếm huyện Bố Chính, một bộ phận nghĩa quân khác trên đường tiến ra Thanh Hóa. Đồng thời một bộ phận khác đốt phá các làng Công giáo, trấn áp giáo dân.

Đến cuối tháng 8/1874 quân triều, quân đạo cơ bản dập tắt được cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai. Chúng đàn áp nghĩa quân một cách man rợ, 2000 nghĩa quân bị chém đầu. Những người còn lại bị đánh đập dã man bị chặt 2 ngón tay cái và bị cắt một ngón chân.

Đặng Như Mai và Trần Huy Điểu chiếm Phủ Quỳ lập căn cứ mới tiếp tục đánh Pháp, sau các ông bị nội phản bắt giao cho quân triều đình, bị xử tử ngay. Đội Lưu dàn quân ra đánh ác liệt, bị hy sinh.

Cuộc khởi nghĩa do Trần Tấn, Đặng Như Mai lãnh đạo phản đối triều đình ký Hòa ước công nhận chủ quyền của Pháp ở Nam Kỳ, nhượng bộ Pháp nhiều quyền lợi lớn của quốc gia, bãi bỏ lệnh cấm đạo, chỉ duy trì được 8 tháng, nhưng là tấm gương sáng chói hy sinh vì nước của tầng lớp sĩ phu và nhân dân Nghệ Tĩnh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.