284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

CAI TRÍ



   Cai Trí, tức suất đội Đỗ Đăng Lâm được Tổng đốc Hoàng Diệu tin cậy giao cho việc vận chuyển, bảo vệ các hòm giấy tờ, chiếu chỉ, bằng sắc công văn từ trong thành về huyện đường. Vì quá cẩn thận, ông Cai Trí cho hẳn một đội lính đi bảo vệ các hòm công văn trên. Điều đó khiến cho bọn mật vụ của Lãnh sự Pháp ở Đồn Thủy và những giáo dân Thiên chúa giáo quá khích được Pháp vũ trang nghi ngờ đó là các hòm vàng bạc, nên chúng báo ngay cho Lãnh sự Pháp. Vì vậy Lãnh sự Pháp coi huyện đường Thọ Xương cũng là một mục tiêu cho quân Pháp tấn công. Trước thế mạnh và sự hung hăng của giặc Pháp cùng bọn tay sai, tri huyện, lục sự, thông phán, nha lại cùng một số lính sợ hãi bỏ nhiệm sở chạy thoát thân. Mặc dù giặc cướp đông, trong huyện thành chỉ còn lại hơn 20 lính cơ, Cai Trí cùng anh em vẫn quyết tử giữ thành. Tên thông ngôn gọi loa uy hiếp Cai Trí và anh em lính cơ nếu đầu hàng nộp hết các hòm từ trong thành chuyển ra sẽ được tha mạng. Cai Trí biết rõ những hòm đó chứa đựng giấy tờ quan trọng nên dù chết cũng bảo vệ tới cùng. Bọn giặc không khuất phục được ông liền nổ súng rồi cho bọn trộm cướp phá cổng. Cai Trí chỉ huy anh em ngoan cường đánh trả giặc. Chỉ trong giờ đầu, hơn một chục anh em đã hy sinh, đè lên xác giặc. Cai Trí cùng số anh em còn lại lùi vào công đường giữ từng gian nhà. Hết đạn, ông cùng anh em dùng đoản dao, dao găm đánh giáp lá cà và đã hy sinh đến người cuối cùng.

   Giặc rút, nhân dân huyện Thọ Xương vô cùng thương tiếc ông và anh em quân sĩ, làm lễ an táng trọng thể. Nhân dân huyện Thọ Xương nhớ ơn ông đã hy sinh cả thân mình chỉ huy quân lính đánh giặc, nên lập ngôi miếu nhỏ thờ ông.

   Tự Đức có chỉ dụ truy tặng suất đội Đỗ Đăng Lâm (ông Cai Trí) chức Phó quản cơ vì đã chống cự quyết liệt cánh quân Pháp đánh chiếm thành huyện Thọ Xương, cùng lúc Henri Rivière hạ thành Hà Nội và hy sinh anh dũng.

   Giặc Pháp sợ uy danh của ông, sợ nơi đây trở thành một lễ đài ghi công tích những người hy sinh đánh Pháp, nên chúng cho bọn lưu manh đập phá miếu. Miếu bị phá, nhưng dân vẫn thắp hương trên nền ngôi miếu cũ vì nhân dân Hà Nội vẫn hướng về ông như hướng về quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, quan Tổng đốc Hoàng Diệu, ông Chưởng Cơ giữ cửa ô Thanh Hà (nay là ô Quan Chưởng) và biết bao liệt sĩ khác đã hy sinh bảo vệ thành Hà Nội.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.