284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
HÀ VĂN MAO
Hà Văn Mao người dân tộc Mường, thuộc dòng dõi quan Lang Châu Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vì ông làm Cai tổng nên nhân dân gọi ông là Cai Mao.
Đời vua Kiến Phúc (1884), Cai Mao chống lệnh triều đình Huế đánh giết số người theo đạo Thiên chúa làm tay sai cho giặc Pháp. Triều đình sợ Pháp trách cứ, đem quân đàn áp. Hà Văn Mao phát động dân tộc Mường, dân tộc Việt ở miền Tây Thanh Hoá chống cả triều đình lẫn Tây.
Ngày 6 tháng 6 năm 1884, triều đình Huế ký Hiệp ước Patơnốt, bán rẻ chủ quyền đất nước cho giặc Pháp, Hà Văn Mao lập tức kêu gọi nhân dân đánh Pháp. Vốn có sẵn uy tín trong dân tộc Mường, ông đã nhanh chóng xây dựng được một đạo quân hơn 1000 người, lập căn cứ ở Điền Lư (Mường Khô) và lập đại đồn ở xã Hỗn Bản, huyện Cẩm Thuỷ.
Để ngăn chặn các cuộc tấn công của nghĩa quân Hà Văn Mao, từ ngày 25/3/1886, thiếu tá Terillion đưa quân từ Nam Định vào tăng cường cho quân Pháp ở Thanh Hoá. Hội nghị các thủ lĩnh nghĩa quân ở Bồng Trung đã giao cho Tả quân Đô thống Trần Xuân Soạn và Hà Văn Mao xây dựng căn cứ dự phòng Mã Cao. Ngay sau khi dự Hội nghị Bồng Trung về, Tả quân Đô thống Trần Xuân Soạn lo tổ chức lực lượng kháng chiến trong toàn tỉnh, nên Hà Văn Mao là người chịu trách nhiệm chính xây dựng căn cứ mới Mã Cao.
Ngày 3/2/1887, quân Pháp tập trung binh lực lớn chia làm nhiều đường tấn công căn cứ Mã Cao. Nghĩa quân cầm cự được vài ngày thì Mã Cao thất thủ, Hà Văn Mao rút quân về Điền Lư tiếp tục kháng chiến. Đến tháng 1/1887, qua các trận chiến đấu liên tục, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, cứ điểm Điền Lư bị quân Pháp chiếm rồi phá huỷ.
Tháng 4/1887, Hà Văn Mao lại trở về căn cứ Điền Lư và ông đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kháng chiến của Cầm Bá Thước trong việc xây dựng phong trào kháng chiến ở miền núi, tỉnh Thanh Hoá. Tới cuối tháng 11, thêm một số tướng lĩnh và nghĩa quân hy sinh, Đề đốc Trần Xuân Soạn lại đi Trung Quốc cầu viện, lực lượng nghĩa quân còn ít, nhưng Hà Văn Mao vẫn hành quân lưu động ở các huyện miền núi Thanh Hoá và liên tục tập kích, phục kích quân Pháp.
Về sự hy sinh của Hà Văn Mao có nhiều ý kiến, sách Đại Nam thực lực chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn (tập 37, trang 258) thì trong một trận tấn công vào Điền Lư, ông đã bị chúng bắt. rồi đưa về chém ở tỉnh lỵ Thanh Hoá. Sách Bài ngoại mậu kiến liệt truyện của Phan Trọng Mưu thì ông bị bắt và đã tự tử để bảo toàn lanh dự. Truyền thuyết ở quê ông truyền lại sau khi thất bại ông trở về Điền Lư tự sát. Theo các cố lão thì căn nhà nơi ông tự sát năm 1974 vẫn còn. Sách “Kỷ niên về Trung Kỳ và Bắc Kỳ” của Masson, Paris 1903 thì ông thoát khỏi sự truy lùng của người Pháp ở Niên Kỷ và đoán chừng là chết vì bị thương. Tác giả Pierre Grossin viết trong cuốn “Tỉnh Hoà Bình” thì cho rằng ông đã chạy thoát rồi hợp tác với một thủ lĩnh Mường ở Hoà Bình là Đốc Tâm, sau khi đã giả chết bằng cách lấy quần áo mình mặc cho một xác người để đánh lạc hướng điều tra của Pháp.
Song ý kiến cho rằng ông bị Pháp bắt trong trận chiến đấu tháng 11/1887 và tự sát để bảo toàn danh tiết được nhiều người chấp nhận.
Đã có nhiều sách viết về phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân ta hồi cuối thế kỷ XIX, về phong trào Cần vương ở Thanh Hoá của các tác giả người Pháp, Mỹ, Nhật, Úc có viết về Hà Văn Mao. Đáng chú ý là cuốn “Ý nghĩa của sự bình định: Thanh Hoá dưới sự thống trị của người Pháp (1885 -1908)” của Niana Shapio Adams do trường Đại học Yale xuất bản ở Mỹ năm 1978 nhận xét về Hà Văn Mao như sau: “Ông là người chiến sĩ thật sự đã liên kết với một số nhà thủ lĩnh khác của địa phương để chống lại người Pháp dưới vùng đồng bằng cũng hiệu quả như vùng rừng núi trên quê hương ông”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.