284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
PHẠM BÀNH
Phạm Bành sinh năm 1825, người làng Trương Xá, nay thuộc xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ông đậu cử nhân khoa Giáp Tý (1864) làm quan đến chức án sát rồi đốc học Nghệ An. Ông là vị quan thanh liêm, rất quan tâm đến cuộc sống của binh sĩ và nhân dân. Anh ông là Phạm Thanh đỗ Thám hoa, làm quan cũng nổi tiếng thanh liêm.
Năm 1885 khi vua Hàm Nghi xuất bôn, phát hịch Cần vương, ông đã 60 tuổi, sức yếu nhưng ông vẫn bỏ quan về quê cùng Hoàng Bật Đạt chiêu mộ quân khởi nghĩa đánh Pháp. Với uy tín sẵn có của mình, ông nhanh chóng thống nhất lực lượng kháng chiến ở Hậu Lộc tạo thành một khối thống nhất. Ông tổ chức Tế cờ khởi nghĩa ở nghè Lục Trúc, xã Phú Cốc. Sau đó mở rộng phạm vi hoạt động liên kết với các lực lượng kháng chiến của Hà Văn Mao, Nguyễn Khế, Lê Toại. Các ông lập căn cứ ở vùng rừng núi thuộc xã Kim Âu và Thạch Bằng ở huyện Quảng Hoá, Thanh Hoá.
Ngày 7 tháng 2 năm Bính Tuất (1886) Phạm Bành đã phối hợp với các lực lượng nghĩa quân khác ở Thanh Hoá tấn công tỉnh thành Thanh Hoá và huyện lỵ Đông Sơn.
Sau trận đánh thành Thanh Hoá không thành, giữa năm 1886, các thủ lĩnh phong trào Cần vương ở Thanh Hoá, họp Hội nghị ở Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc thống nhất lực lượng, hành động chống Pháp. Các thủ lĩnh cũng quyết định xây dựng một căn cứ chống Pháp có hiệu quả. Hội nghị đã quyết định một việc quan trọng là xây dựng căn cứ Ba Đình ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá và giao cho Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng cùng một số tướng thực hiện.
Phạm Bành cùng các đồng chí về xây dựng căn cứ ở đồng bằng. Địa điểm xây dựng là ba thôn Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh, nay thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Tháng 5/1886 , Phạm Bành, Đinh Công Tráng kéo quân về núi Yến, vận động nhân dân dời đi nơi khác để nghĩa quân xây đồn luỹ chống giặc.
Trong chiến đấu, Phạm Bành khi đó đã 60 tuổi, sức yếu vẫn cùng các chỉ huy khác có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất động viên, khích lệ chiến sĩ chiến đấu. Ngày 18 tháng 12 năm 1886, Phạm Bành, Đinh Công Tráng cùng các chỉ huy căn cứ Ba Đình đánh bại cuộc tấn công qui mô lớn của hai tên trung tá Medingiơ và Đốt chỉ huy.
Ngày 6 tháng giêng năm 1887, Bộ tư lệnh quân đội Viễn chinh Pháp phái tên đại tá Britxô (Brissaud) trực tiếp chỉ huy chiến dịch công phá Ba Đình. Để bảo tồn lực lượng và trên thực tế một số đã hi sinh, một số bị thương và cũng không sao chịu nổi mùi hôi thối của xác giặc chung quanh căn cứ từ trận ngày 18 tháng 12/1886 , Phạm Bành, Đinh Công Tráng và các tướng họp đột xuất bàn kế hoạch rút quân khỏi Ba Đình vào đêm 20 tháng 1/1887 (27 tết). (Theo tài liệu của Pháp thì con số tổn thất về người của địch ít nhất cũng trên 200 tên chết và bị thương trong trận tấn công Ba Đình về phía nghĩa quân theo tài liệu của Pháp khoảng 150 người).
Để nghi binh tiếng trống chèo, tiếng hát tiếng loa địch vẫn vang lên không dứt. Các tay súng bắn tỉa phục trên bờ thành bắn rất trúng đích các điểm loé sáng từ phía quân Pháp. Nghĩa quân chôn bốn khẩu súng thần công và những vũ khí không đem theo được Bộ chỉ huy quyết định chia làm 2 hướng, 1 hướng do Đinh Công Tráng chỉ huy, một cánh do Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Nguyễn Viết Toại rút về hướng Nam. Cánh quân vừa ra khỏi căn cứ thì giặc Pháp phát hiện, phải chiến đấu quyết liệt để mở đường máu, thêm một số chiến sĩ hi sinh.
Cuộc rút lui đã hoàn thành đúng kế hoạch, làm thất bại âm mưu tiêu diệt nghĩa quân ở căn cứ Ba Đình.
Sau khi rút khỏi căn cứ Ba Đình, Phạm Bành cùng một số tướng lui về củng cố căn cứ Mã Cao. Song lực lượng quân Cần vương Thanh Hoá đã bị tổn thất, quân Pháp tập trung đánh phá Mã Cao. Thành Ma Cao vỡ, Phạm Bành lánh về quê để liên lạc với các đồng chí tập hợp lực lượng khôi phục phong trào. Bọn Pháp và lũ tay sai dụ dỗ ông đầu hàng không được đã hèn hạ bắt mẹ già và con ông là Phạm Tiên, hẹn trong 10 ngày nếu ông không ra thú chúng sẽ hành hình mẹ ông và con trai ông ở nhà lao Thanh Hoá. Vì thương mẹ và con, ông đã tự ra cho giặc bắt, nhưng trong mình giấu sẵn một liều độc dược. Sau khi đã biết chắc mẹ và con trai thoát khỏi tay giặc về quê an toàn, ông uống thuốc độc tự tử, hôm đó là ngày 18 tháng 3 năm Đinh Hợi (11/4/1897). Ông mất đi trong sự thương tiếc của đồng bào.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.