284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN THIỆN DƯƠNG (LÃNH GIANG)



   Lãnh Giang tên thật là Nguyễn Thiện Dương, em thứ tư của Nguyễn Thiện Thuật. Lãnh Giang là người có đức độ, võ nghệ siêu quần. Trong thời gian Nguyễn Thiện Thuật làm Tổng đốc Hải – Yên ông cũng theo giúp việc quân. Khi Nguyễn Thiện Thuật phải lánh sang Long Châu (Trung Quốc), Nguyễn Thiện Dương ở lại trong nước cùng Nguyễn Thiện Kế hô hào nhân dân các phủ, huyện ở tỉnh Hải Dương bất cộng tác với Pháp, lên án bọn vua quan Tự Đức đầu hàng giặc. 

   Tháng 9-1885, Lãnh Giang đã có mặt trong lễ Tế cờ khởi nghĩa ở Văn chỉ Bình Dân, ông được phong chức Lãnh binh và được Nguyễn Thiện Thuật giao cho phụ trách vùng Đáp Cầu thị xã Bắc Ninh, phía thượng lưu, hạ lưu sông Cầu và vùng phụ cận. Ngoài nhiệm vụ xây dựng lực lượng và tổ chức tác chiến, ông còn lãnh trách nhiệm bảo vệ con đường bí mật chuyên chở vũ khí từ vùng biên giới Đông Bắc do Lưu Kỳ mua và vận chuyển về căn cứ Đáp Cầu. Trong năm 1887 Lãnh Giang hoạt động mạnh mẽ ở vùng Bắc và Tây Hải Dương, Nam Bắc Ninh, Bắc Hưng Yên gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, quân lính hoang mang không dám càn quét. Pháp phải thú nhận như sau: “Năm 1887 trong thời gian chờ đợi công cuộc bình định chỉ được tiến những bước yếu ớt. Từ tháng giêng năm 1887 Lãnh Giang lại trở về trong tỉnh và liên kết với Khoát, Ba Báo, Văn, Quý. Kết quả của việc này chẳng bao lâu đã thấy rõ. Vụ nọ tiếp vụ kia, ba tầu buôn nhỏ bị tấn công trên sông Luộc. Một tầu bị bỏ lại và bị cướp. Trong những cuộc truy lùng địch, các đội lính Khố đỏ và Khố xanh của chúng ta luôn luôn xung đột với các đám giặc đương đầu với họ, có một bốt suýt nữa bị họ chiếm”. (Trận này Piglowski viết trong “Lịch sử lính Khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ” như sau: Nhiều tên cướp đã vãi đạn vào chiếc tầu. Một thuỷ thủ bị giết chết. Chiếc xà lúc Antoinette chở thư đường sông Hà Nội – Hải Phòng đã bắt gặp chiếc Madalay sau khi Madalay bị tấn công. Chiếc xà lúc Antoinette đã được đồn binh đó yểm hộ và cập bến Hải Phòng vô sự (29-6).

   Pháp và Hoàng Cao Khải nhiều lần đem quân đánh Lãnh Giang, nhưng không có kết quả mà còn bị tiêu hao lực lượng, vì thế năm 1887 quân Pháp tăng cường lính Khố xanh, riêng ở Hải Dương đưa lên 800 tên đóng ở các đồn bốt và hợp thành “đội Bảo an dân sự bản xứ” rải ra các bốt cố định và bốt lưu động, Công sứ Hải Dương còn rút lính chính qui ở các đồn về lập các đội quân, khủng bố các làng ủng hộ nghĩa quân, giúp quan huyện thu thuế. Để chống lại lực lượng quân sự mới của quân Pháp, Nguyễn Thiện Thuật, Lãnh Giang kết hợp với các toán khác hợp thành sức mạnh diệt nhiều đồn bốt Pháp.

   Về tài thao lược của Lãnh Giang, kẻ thù cũng phải thừa nhận: “Tán Thuật có hai tướng giúp việc là anh em của ông ta là Lãnh Giang và Hai Kế. Hai người này thực sự là những chỉ huy có tài đã khiến cho cuộc nổi dậy này phải khó khăn và lâu dài  mới đàn áp nổi”.

   Lãnh Giang chỉ huy quân sỹ nhiều lần đánh bật quân Pháp ra xa ngôi chùa, nhưng bọn chúng đông, nhiều súng đạn vẫn không ngừng tấn công, không may Lãnh Giang bị trúng đạn hy sinh. Nghĩa quân mở đường máu đưa xác ông vào trong làng, được nhân dân giấu trong đống rơm quân Pháp không tìm ra. Khi quân Pháp rút, nghĩa quân đưa xác ông về Bãi Sậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.