284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
PHẠM VĂN ĐỨC
Tiền quân Phạm Văn Đức sinh khoảng năm Bính Ngọ, Thiệu Trị thứ 6 (1846), quê ởỞ làng Thượng Cốc, tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Do cuộc sống ở Thượng Cốc gặp khó khăn ông phải lưu lạc ra đảo Cát Bà sống bằng nghề chài lưới. Vùng hải đảo thường có nhiều hải tặc quấy nhiễu, ông tập hợp những người biết võ nghệ có máu giang hồ thành một đội vũ trang chống bọn giặc Tàu Ô, cướp biển, hải phỉ. Năm 1873 khi quân Pháp đổ bộ lên đảo Cát Bà, ông hô hào dân đảo đánh trả chúng quyết liệt.
Ngày 6/6/1874, vua Tự Đức sai Nguyễn Văn Tường ký kết quy ước với Phi lát, trưởng phái đoàn Pháp với nhiều điều khoản có lợi cho Pháp, Pháp rút quân khỏi Hà Nội và một số tỉnh đã chiếm đóng ở Bắc Kỳ, chỉ để lại một số quân đóng ở Hà Nội và Ninh Hải (Hải Phòng). Phạm Văn Đức giải tán nghĩa quân, ông trở về quê ở làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc sinh sống. Ngày 25/4/1882, quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Ngày 12/3/1883 chúng đánh chiếm khu mỏ Hòn Gai, ngày 27/4/1883 chúng đánh chiếm tỉnh thành Nam Định, tháng 8/1883 quân Pháp hạ tỉnh thành Hải Dương.
Căm thù giặc Pháp, Phạm Văn Đức dựng cờ khởi nghĩa, chiêu mộ quân đánh Pháp, xây dựng căn cứ ngay tại làng Thượng Cốc. Lực lượng nghĩa quân của ông rất đông, được trang bị súng bắn nhanh, được huấn luyện thành thạo các thao tác chiến đấu. Tháng 9 năm 1883, triều đình Huế ra lệnh triệt binh, Tạ Hiện trả chức Đề đốc Nam Định lui về phủ Kiến Xương chiêu mộ quân đánh Pháp. Tạ Hiện thành lập năm dinh là Trung quân, Tiền quân, Hậu quân, Tả quân, Hữu quân. Phạm Văn Đức chỉ huy Tiền quân, nên gọi là Tiền Đức. Khoảng giữa năm 1884, quân Pháp do trung tá Sécvie (Serviere) chỉ huy chia quân làm nhiều hướng tiến đánh căn cứ Thượng Cốc, nhưng Tiền Đức và các tướng đã kịp thời di chuyển quân từ trước chỉ để lại một lực lượng nhỏ cản địch. Tiền Đức chuyển hướng hoạt động về vùng cửa sông ven biển và đảo Cát Bà. Với năng lực và uy tín của mình, ông đã thống nhất các lực lượng vũ trang ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương (bao gồm cả Hải Phòng), Bắc Ninh (gồm cả Bắc Giang) Quảng Yên, Hà Nội (gồm các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên của Hà Đông và tỉnh Hà Nam), Thái Bình (khi đó thuộc Hưng Yên và Nam Định) dưới ngọn cờ Cần vương. Tiền Đức cũng gia nhập cuộc khởi nghĩa này, được thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật dâng sớ lên vua Hàm Nghi phong ông chức “Tiền quân đô thống”. Nguyễn Thiện Thuật giao cho Tiền Đức cùng Lãnh Hy, Lãnh Pha, Đề Hồng, Lãnh Hai… hoạt động ở vùng cửa các sông Văn Úc, Thái Bình,vùng đảo Cát Bà, đảo Cái Bàn…
Song từ cuối năm 1891 đến năm 1892, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chịu nhiều tổn thất nặng nề, nhiều tướng lĩnh hy sinh. Tháng 4 năm 1892, sau trận thất bại ở Ngô Phần, Bích Khê, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy tan rã. Song Tiền Đức cùng một số tướng lĩnh vẫn duy trì được cuộc kháng chiến ở vùng biển và các đảo trên vịnh Bắc Bộ. Đến khoảng giữa năm 1893, quân Pháp tập trung hải quân bao vây đánh phá ác liệt các đảo Cát Bà, Cái Bầu nghĩa quân bị thiệt hại nặng nề, Tiền quân Đô thống Phạm Văn Đức liền sang Trung Quốc. Ông đến yết kiến chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật đang ở nhà Lưu Vĩnh Phúc tại Sa Hà. Tiền Đức có mối quan hệ mật thiết với giới quan lại có thế lực ở Quảng Đông, Quảng Tây như Thống lĩnh Trần Thế Hoa. Nguyễn Thiện Thuật thường phái ông đi hộ tống các yếu nhân của Duy tân hội và phong trào Đông du như Phan Bội Châu. Ghi nhớ công lao của Tiền Đức nhân dân ấp Tiền Đức ở Mạo Khê, Đông Triều, nhân dân đảo Cát Bà lập đền thờ ông. Tại thành phố Hải Phòng có một đường phố số 24b ở quận Hồng Bàng được mang tên là phố Tiền Đức từ tháng 11/1996.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.