284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
CAI NGA
Cai Nga tên thực là Nguyễn Văn Nga, còn gọi là Nguyễn Tác A, sinh quán tại Hà Nội. Ông đi lính đeo lon cai, ở cùng cơ binh pháo thủ số 9 với Đội Bình, Đội Nhân. Mỗi khi ông bất bình với bọn chỉ huy Pháp thường đến tâm sự với Đội Bình, Đội Nhân là bạn thân, cùng chung chí hướng như mình. Cai Nga trở thành trợ thủ tin cậy của Đội Bình trong việc tuyên truyền, phát triển lực lượng phản chiến trong quân đội Pháp. Ông là người thông minh, đọc văn thơ yêu nước mà thực dân Pháp cấm lưu hành như Hải ngoại huyết thư, Lịch sử Việt Nam, Thiết tiền ca, Bài ca lính tập chỉ vài lần là thuộc làu, đọc lại cho anh em nghe. Cai Nga đã bỏ ra nhiều công sức điều tra kỹ lưỡng các mục tiêu mà binh lính phản chiến và nghĩa quân Yên Thế sẽ tấn công như Phủ Toàn quyền Đông Dương, dinh Thống sứ Bắc Kỳ, Bộ Tổng Tham mưu Pháp. Trong cuộc họp phân công người chỉ huy các cánh quân, Cai Nga được chỉ định làm chỉ huy phó đánh bộ Tổng Tham mưu, do chính Đội Bình làm chỉ huy trưởng.
Sau cuộc tấn công giặc Pháp tháng 6 năm 1908 bị thất bại vì có nội phản báo cho giặc biết kế hoạch tấn công của nghĩa quân và đầu độc sĩ quan Pháp thì giặc Pháp sai đóng cổng thành, vây bắt hầu như toàn bộ binh lính, bồi bếp đã tham gia. Cai Nga bị bắt cùng với nhiều đồng chí khác. Giặc Pháp dùng mọi cực hình tra tấn ông dã man, nhưng ông cắn răng chịu đựng không khai những đồng chí, những cơ sở ở bên ngoài thành cho giặc biết. Để xét xử “Vụ Hà Thành đầu độc”, ngày 28 tháng 6 năm 1908, Hội đồng Đề hình được thành lập cấp tốc để xét xử vụ đầu độc với quyền hạn rộng rãi và thủ tục xét xử nhanh chóng. Mặc dù cuộc điều tra còn đang tiếp tục, ngày 8 tháng 7 năm 1908 giặc Pháp đã đưa Đội Bình, Đội Nhân, Cai Nga, Đội Cốc ra xét xử. Cai Nga bị giặc đưa ra xử thứ hai, sau Nguyễn Trị Bình. Tác phẩm Truyện các liệt sĩ Hà thành của Phan Bội Châu khi đó đang ở Nhật đã thu thập tài liệu viết về vụ này ngay trong tháng 10/1908 đoạn viết về Cai Nga như sau:
“…Khi đến lượt Nguyễn Văn Nga, các nhà chức trách Pháp hỏi Nga các câu sau:
– Chính phủ đã nuôi mày, đối xử với mày tử tế, tại sao mày lại đứng vào hàng ngũ những tên nổi loạn?
Nga đáp:
– Người Pháp bắt người Việt Nam đóng mọi thứ thuế. Đó là một số tiền rất lớn, mấy triệu đồng một năm, thế mà Chính phủ Pháp chỉ trả cho chúng tôi lương mỗi tháng 5 đồng, 8 đồng hoặc 10 đồng,thì làm sao mà chúng tôi có thể nói được các ông đối xử tốt. Người Pháp các ông tới nước chúng tôi, chiếm lấy những gì mà tôi, đồng bào tôi có trong nhà. Các ông đuổi chúng tôi, các ông sai giết chúng tôi để đảm bảo hạnh phúc cho các ông và cho gia đình các ông. Chúng tôi đã tổ chức cuộc âm mưu này chống lại các ông, đó là vì chúng tôi tự thấy mình đã quá khốn khổ”.
Người ta ra lệnh chặt đầu Nga. Trước lúc chặt đầu ông, người ta hỏi ông có điều gì cần nói nữa không. Nếu ông có thể tố giác những người khác tham gia âm mưu, ông sẽ được ân xá khỏi tội chặt đầu. Nga đã trả lời rằng, nếu ông không giết người Pháp thì người Pháp sẽ tiêu diệt nòi giống Việt Nam. Ông thích được chặt đầu ngay lập tức hơn là phải nhìn nòi giống mình bị người pháp tiêu diệt. Sau câu nói cuối cùng này, tên đao phủ đã thực hiện nhiệm vụ của nó. Nga thét to: “Đồng bào! Đồng bào vạn tuế!”. Ông vừa dứt lời thì tên đao phủ hạ đao. Ông lìa đầu khỏi cổ trong hoàn cảnh thật bi hùng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.